VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2000 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 131/TB-VPCP NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 2000 VỀ Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN XI MĂNG GIAI ĐOẠN 2001-2005-2010
Ngày 21 tháng 9 năm 2000, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp với các Bộ, ngành liên quan, bàn về đầu tư phát triển các dự án xi măng giai đoạn 2001-2005-2010. Dự họp có đại diện các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Công nghiệp, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty xi măng Việt Nam.
Sau khi Tổng công ty xi măng Việt Nam báo cáo tình hình đầu tư các dự án xi măng giai đoạn 2001-2005-2010 của Tổng công ty, Bộ Xây dựng báo cáo kế hoạch phát triển xi măng gia đoạn 2001-2005-2010 của ngành xi măng Việt Nam, ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Để có được công suất 15,4 triệu tấn xi măng/năm như hiện nay, ngành xi măng Việt Nam và các địa phương đã có những cố gắng rất lớn trong đầu tư phát triển xi măng. Bộ Xây dựng và Tổng công ty Xi măng Việt Nam cần tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm về đầu tư, về quản lý sản xuất, quản lý các dự án xi măng có công suất lớn để xác định phương thức đầu tư tốt nhất trong các năm tới.
2. Bộ Xây dựng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển của toàn ngành xi măng, của Tổng công ty trong 5 năm và 10 năm tới; đề xuất phương thức đầu tư mới để rút ngắn thời gian đầu tư, đạt được mục tiêu 24 triệu tấn xi măng năm 2005 và 33 triệu tấn xi măng năm 2010, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11 năm 2000.
3. Các yêu cầu khi xây dựng chiến lược phát triển xi măng trong 5 năm và 10 năm tới là:
3.1. Chiến lược phát triển xi măng phải lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% đến 9%/năm để làm căn cứ tính toán và phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới; phải cạnh tranh chiếm dẫn thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu. Chiến lược phát triển xi măng phải đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước.
3.2. Việc đầu tư các dự án xi măng phải tính đến quan hệ giữa các vùng lãnh thổ để vừa có hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm thế trận phòng thủ Quốc gia. Phải sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của thế giới, đảm bảo chất lượng và tính cạnh tranh cao khi hội nhập với nền kinh tế thế giới. Phải gắn với bảo vệ môi trường.
3.3. Với tinh thần phát huy nội lực là chính, khai thác nguồn vốn trong nước (vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có....) tận dụng vốn vay của nước ngoài do các nhà thầu cung cấp công nghệ và thiết bị thu xếp: tận dụng tối đa thiết bị sản xuất trong nước. Các dự án đầu tư mới ta tự làm là chính, không liên doanh với nước ngoài hoặc cho nước ngoài đầu tư 100% vốn vào các dự án phát triển xi măng, trường hợp đặc biệt khó khăn ta không thể làm được mới gọi đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép yêu cầu phải triển khai trong năm 2001. Các dự án đầu tư mới nên giao cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư.
3.4. Phương án đầu tư phát triển xi măng nhất thiết phải bảo đảm sức cạnh tranh. Tận dụng tối đa những dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp các nhà máy xi măng hiện có để tận dụng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng phát huy hiệu quả đầu tư, giảm vốn đầu tư, giảm giá thành.
3.5. Đồng ý cho các dự án xi măng có công suất lớn, đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư trong nước theo quy định hiện hành.
Bộ Xây dựng và Tổng công ty xi măng Việt Nam sớm hoàn thành chiến lược phát triển xi măng của toàn ngành và của doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về yêu cầu nhập khẩu Clinker cho các trạm nghiền sản xuất xi măng, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất phương án điều tiết nhập khẩu theo từng thời kỳ, với yêu cầu: không để xảy ra sốt xi măng và không gây tồn đọng, tận dụng hết khả năng sản xuất của các nhà máy xi măng trong nước. Tổng công ty Xi măng Việt Nam chịu trách nhiệm chính về nhu cầu xi măng trong nước.
| Nguyễn Tôn |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.