VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 130/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ VÀ ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU VÀ SẢN XUẤT TRANG THIẾT BỊ Y TẾ
Ngày 10 tháng 3 năm 2009, tại Hà Nội Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã dự và chỉ đạo Hội nghị “Đánh giá kết quả 6 năm triển khai thực hiện Chỉnh sách quốc gia về trang thiết bị y tế và 3 năm thực hiện Đề án Nghiên cứu và sản xuất trang thiết bị y tế”. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ: Y tế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các sở y tế, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trang thiết bị y tế trên cả nước.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến như sau:
I. ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Kết quả đạt được
Nhìn chung, trong 6 năm qua, công tác quản lý nhà nước được tăng cường và hoàn thiện từng bước; số lượng, chủng loại trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đã có tiến bộ, đã bước đầu hình thành được các cơ sở sản xuất có thương hiệu; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học gắn với sản xuất được thực hiện và có một số kết quả bước đầu:
a) Đã ban hành 138 tiêu chuẩn Việt Nam, 35 tiêu chuẩn ngành; kiểm định được một số chủng loại trang thiết bị y tế; tham gia hội nhập trong Asean về vấn đề tiêu chuẩn quản lý trang thiết bị y tế.
b) Công tác đào tạo nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan mở được mã ngành đào tạo mới cho lĩnh vực trang thiết bị y tế tại Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học Bách khoa Hà Nội; trường Trung cấp Kỹ thuật thiết bị y tế đã được nâng cấp thành trường cao đẳng nghề Trang thiết bị y tế;
c) Đã có 621 sản phẩm của hơn 48 đơn vị nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị y tế được sản xuất và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận lưu hành và đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng trong ngành và được thị trường chấp nhận, cụ thể: thiết bị vật lý tư liệu, laser ngoại khoa, dao mổ điện đạt 5%; máy tán sỏi ngoài cơ thể đạt 40%; Vật tư y tế thông dụng đạt 55%; thiết bị nội thất bệnh viện đạt 75%; bơm tiêm dùng một lần các loại đạt gần 100%.
2. Hạn chế và tồn tại
a) Các Bộ, ngành đã có sự phối hợp trong chỉ đạo triển khai nhưng chưa thật quyết liệt và đúng mức; hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế, Ban chủ nhiệm đề án Nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trang thiết bị y tế còn rất hạn chế, hầu như chưa được triển khai theo quy định.
b) Các giải pháp triển khai hoạt động sản xuất các thiết bị chưa thật đồng bộ; việc phê duyệt các dự án thuộc nhóm 07 sản phẩm đã đăng ký còn kéo dài, chậm hoàn thành ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện; chưa có các chương trình định kỳ giới thiệu về các sản phẩm trang thiết bị y tế có chất lượng sản xuất tại Việt Nam; chính sách hỗ trợ, khen thưởng chưa đủ mạnh, chưa khuyến khích người lao động sáng tạo.
c) Sức ép cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm sản xuất trong nước rất gay gắt nhất là xuất hiện việc cạnh tranh không lành mạnh của một số sản phẩm nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
d) Những khó khăn kéo dài về nguồn vốn vay ưu đãi, thuê đất, chưa được giải quyết; việc trang thiết bị y tế nguyên chiếc có thuế suất nhập khẩu thấp, trong khi thuế nhập phụ tùng linh kiện điện tử, cơ khí phục vụ cho quá trình lắp ráp, sản xuất và sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế có thuế suất cao (hầu hết từ 20% - 30%) gây khó khăn rất lớn cho việc phát triển sản xuất trong nước.
đ) Lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo chưa tạo được đột phá, nhiều tiềm năng chưa được phát huy, đặc biệt những sản phẩm sản xuất trong nước đã được cấp giấy chứng nhận nhưng chưa được thương mại hóa rộng rãi.
e) Đội ngũ cán bộ được đào tạo về trang thiết bị y tế còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
g) Kinh phí cũng như thời gian thủ tục tiến hành thử lâm sàng cho những thiết bị y tế trực tiếp tác động đến sức khỏe con người cũng như vật tư cấy ghép lâu dài trong cơ thể người bệnh là một trong những khó khăn lớn mà các cơ sở sản xuất đang phải đối mặt.
II. GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng tăng lên. Đồng thời với việc đầu tư, cải thiện cho y tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Hội nhập quốc tế có nhiều thách thức nhưng ở một chừng mực nhất định, đó cũng là yếu tố tạo áp lực đổi mới tích cực, là thời cơ, điều kiện thuận lợi để sản xuất trang thiết bị y tế trong nước phát triển và hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Về lâu dài, chúng ta phải tận dụng và phát huy ưu thế nội lực là lực lượng lao động dồi dào, có đào tạo khá cơ bản, có khả năng sáng tạo; đồng thời phải triển khai hiệu quả chính sách xã hội hoá, giúp các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị Y tế mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, theo chức năng nhiệm vụ của mình, rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế, tăng cường công tác xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về trang thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập quốc Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định định kỳ trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế đảm bảo sử dụng đúng, an toàn và hiệu quả các trang thiết bị y tế đã được đầu tư
2. Bộ Y tế
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện lại quy trình về thử nghiệm lâm sàng, nên xem xét rất ngắn quy trình, thời gian thử nghiệm đối với các thiết bị sử dụng công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được các cơ quan có thẩm quyền trong hoặc ngoài nước công nhận đảm bảo chất lượng, an toàn.
b) Nghiên cứu xây dựng Chương trình truyền thông trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng về trang thiết bị y tế sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giúp các cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
c) Phối hợp với Bộ Công thương, cùng các nhà sản xuất, đại diện các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng danh mục sản phẩm trang thiết bị y tế có nhu cầu sử dụng cao, có tiềm năng, điều kiện chế tạo sản xuất trong nước để tập trung nghiên cứu chế tạo, sản xuất hàng loạt.
d) Phối hợp với Bộ Công Thương, đề xuất và thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn một số sản phẩm trang thiết bị y tế đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia để được đầu tư nghiên cứu, chế tạo và phát triển sản xuất với quy mô lớn .
đ) Phối hợp với các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế đối với những sản phẩm sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, nhằm khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
e) Phối hợp với Công Thương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình trọng điểm quốc gia về trang thiết bị y tế hoặc bổ sung các nội dung, chương trình về nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị y tế vào chương trình trọng điểm quốc gia về cơ khí.
g) Đầu tư nâng cấp Trung tâm kiểm chuẩn trang thiết bị y tế thuộc Viện Trang thiết bị và Công trình y tế; thành lập 02 trung tâm kiểm chuẩn trang thiết bị y tế tại khu vực miền Trung và miền Nam.
h) Tăng cường đào tạo về bảo dưỡng trang thiết bị y tế theo hướng đào tạo theo nhu cầu, chuẩn hoá cán bộ chuyên trách về trang thiết bị y tế, xác định nhu cầu, xây dựng định biên cán bộ chuyên trách quản lý thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện.
i) Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan sớm kiện toàn và thúc đẩy hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế và Ban Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trang thiết bị y tế; hoàn thiện cơ chế hoạt động, trong đó lưu ý vai trò của Hội trang thiết bị y tế, đại diện các cơ sở nghiên cứu, chế tạo các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế Việt Nam; chú trọng xây dựng mối liên kết giữa: Nhà sử dụng - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà quản lý cùng phối hợp để thực hiện thành công mục tiêu của Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ dự cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế vào tháng 7 năm 2009.
3. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương xem xét vấn đề thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, sản xuất trang thiết bị y tế trong nước và đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tưởng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2009.
4. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xem xét vấn đề bán phá giá đối với một số mặt hàng trang thiết bị y tế trên thị trường Việt Nam và có biện pháp xử lý; nghiên cứu thành lập Công ty cổ phần kinh doanh trang thiết bị y tế sản xuất trong nước, thiết lập hệ chống tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở các khu vực theo chuyên đề.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ và cơ quan liên quan biết, thực hiện ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.