VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 123/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2008 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DÀI HẠN CỦA TỔNG CÔNG TY HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
Ngày 25 tháng 3 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2008 và triển khai kế hoạch phát triển dài hạn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần cho thuê tàu bay Việt Nam.
Sau khi nghe Tổng công ty Hàng không Việt Nam báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là năm 2008. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, Tổng công ty đã nỗ lực vượt qua, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị: duy trì quy mô sản xuất kinh doanh, không cắt giảm đường bay, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, kinh doanh có lãi, bảo toàn được vốn, nộp ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, cải cách tiền lương bảo đảm đời sống người lao động, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng của đất nước còn yếu kém, chất lượng dịch vụ có mặt còn chưa tốt, chất lượng nhân lực còn hạn chế, Tổng công ty cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu trở thành hãng hàng không có tầm cỡ trong khu vực.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2009, 2010 được nhận định sẽ khó khăn hơn năm 2008, Tổng công ty cần kiên quyết khắc phục những tồn tại, có kế hoạch kinh doanh cụ thể, bám sát tình hình thực tế, kịp nắm bắt thời cơ, thuận lợi, xây dựng các giải pháp điều hành linh hoạt, tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, triệt để tiết kiệm, duy trì quy mô sản xuất kinh doanh, không cắt giảm đường bay, không cắt giảm lao động, đồng thời đảm bảo an toàn an ninh, kinh doanh có hiệu quả; tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư dài hạn; xây dựng Tổng công ty thành Tập đoàn kinh tế mạnh; xây dựng Hãng Hàng không quốc gia thành hãng hàng không có tầm cỡ trong khu vực, là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt, chủ lực của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, vươn lên cạnh tranh với các hãng hàng không khác trong khu vực. Trước mắt, Tổng công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt, đồng thời cần hoàn chỉnh và triển khai cụ thể chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo trong quy hoạch tổng thể xây dựng Việt Nam thành trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa khu vực với nền công nghiệp hàng không phát triển. Bên cạnh đó, Tổng công ty phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn kết nội bộ để tạo sự đồng thuận, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
III. VỀ CÁC ĐỀ NGHỊ CỦA TỒNG CÔNG TY:
1. Về đầu tư phát triển đội tàu bay:
- Đồng ý về chủ trương mua bổ sung 10 tàu bay Airbus A321-200 với lịch giao tàu bay giai đoạn 2011-2014; giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam đàm phán trực tiếp với Airbus, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đàm phán.
- Về việc mua bổ sung tàu bay B787-9 và A350-900: đồng ý Tổng công ty đàm phán trực tiếp với các đối tác để mua thêm tàu bay B787-9 và A350-900, bảo đảm lịch giao tàu bay sớm (giai đoạn 2013-2016) và giá hợp lý; đàm phán trực tiếp với các đối tác để có thể nhận các máy bay A350-900 XWB và B787-9 sở hữu sớm hơn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đồng ý về nguyên tắc Tổng công ty đàm phán trực tiếp với các đối tác về việc bán 02 tàu bay Fokker 70, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
2. Cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam tham gia liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành thành viên chính thức của SkyTeam trong năm 2010. Việc tham gia phải đúng nguyên tắc và các quy định hiện hành.
3. Đồng ý xác định các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Long Thành là các sân bay căn cứ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) với đầy đủ cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực khai thác, kỹ thuật bảo dưỡng, cung ứng dịch vụ hàng không đồng bộ, nhà ga, sân đỗ máy bay bảo đảm phục vụ cho các chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không đối tác, đặc biệt là các thành viên trong Liên minh Hàng không Toàn cầu SkyTeam.
4. Về xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hàng không:
- Giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng định hướng dài hạn, tổng thể về phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đồng ý Tổng công ty Hàng không Việt Nam được hợp tác với các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng để khai thác các diện tích đất và nguồn nhân lực do Bộ Quốc phòng quản lý tại các sân bay trong nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hàng không, đảm bảo kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng.
- Cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam chủ động làm việc với các tập đoàn công nghiệp, các nhà sản xuất máy bay, động cơ, vật tư phụ tùng máy bay trên thế giới; tranh thủ các nguồn viện trợ Chính phủ (ODA); phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các tập đoàn công nghiệp của Việt Nam để xây dựng các dự án, từng bước triển khai xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam.
5. Về phí nhượng quyền khai thác và các loại giá, phí dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay: giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Cục Hàng không Việt Nam rà soát, điều chỉnh các quy định về việc thu phí nhượng quyền khai thác, các loại giá, phí dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay áp dụng cơ chế đặc thù đối với Hãng Hàng không quốc gia; bãi bỏ các quy định bất hợp lý về việc thu phí nhượng quyền khai thác đối với các hoạt động phục vụ mặt đất, phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa, kỹ thuật bảo dưỡng, cung ứng xăng dầu hàng không của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (kể các các công ty con) tại các cảng hàng không, sân bay.
6. Về việc phân bổ giờ hạ cất cánh: giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam rà soát lại để điều chỉnh hợp lý, tạo thuận lợi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam; ưu tiên phân bổ giờ hạ cánh trong giờ cao điểm tại các sân bay quốc tế cho Tổng công ty.
7. Về thuế nhập khẩu nhiên liệu bay: giao Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh phù hợp với diễn biến của thị trường.
8. Về giải ngân số tiền còn lại của dự án B787 để thanh toán tiền trả trước dự án mua 10 máy bay A350: giao Bộ Tài chính giải quyết.
9. Về bảo đảm ngoại tệ trong việc thanh toán tiền thuê mua máy bay và nhiên liệu bay: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tự cân đối, mua từ các ngân hàng thương mại. Trường hợp còn thiếu, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải quyết, tạo điều kiện cho Tổng công ty bảo đảm ngoại tệ trong thanh toán.
10. Về điều chỉnh vốn điều lệ: đồng ý về nguyên tắc. Giao Bộ Tài chính điều chỉnh theo đúng quy định.
11. Về cơ chế tiền lương:
- Cho phép Tổng công ty xác định quỹ tiền lương thực hiện năm 2008 theo đơn giá tiền lương đã được phê duyệt.
- Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng thí điểm cơ chế tiền lương, phù hợp với đặc thù của ngành hàng không. Trước mắt, trong giai đoạn 2009-2010, cho phép tổng công ty Hàng không Việt Nam xác định đơn giá tiền lương trên cơ sở đủ nguồn quỹ tiền lương để hoàn thành tiến trình cải cách tiền lương theo kế hoạch và đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn năm 2008.
12. Về đồng tiền thanh toán khi ký kết hợp đồng cho thuê tàu bay của Công ty cổ phần cho thuê tàu bay Việt Nam: yêu cầu thực hiện theo đúng quy định. Các doanh nghiệp cần hợp đồng cụ thể để chia sẻ rủi ro khi có biến động tỷ giá.
13. Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không:
- Giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam tập trung vào công tác đào tạo phi công, kết hợp đào tạo trong nước và nước ngoài, theo hướng xã hội hóa để bảo đảm đủ nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển của Tổng công ty; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động các nguồn tài trợ ODA để đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không.
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc gia để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không.
14. Về tiêu chuẩn sức khỏe cho phi công: giao Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế.
15. Về việc các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước đi lại bằng đường hàng không (nội địa và quốc tế) phải sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không Việt Nam: đồng ý về nguyên tắc. Giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
16. Về công tác cổ phần hóa: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành các thủ tục theo quy trình cổ phần hóa, lựa chọn thời điểm thích hợp để bán cổ phần, bảo đảm lợi ích nhà nước và lợi ích doanh nghiệp.
17. Giao Bộ Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam rà soát lại các quy định, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện tốt vai trò là Hãng Hàng không Quốc gia, lực lượng chủ lực đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hàng không quốc gia.
- Chỉ đạo các Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong hoạt động khai thác phục vụ bay tại cảng hàng không, sân bay; bố trí đủ mặt bằng nhà ga, sân đỗ máy bay để Tổng công ty tự tổ chức cung ứng dịch vụ đồng bộ nằm trong dây chuyền vận tải hàng không cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các đối tác.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.