HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11-TB | Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 1992 |
THÔNG BÁO
CỦA CHỦ TỊCH HĐBT VÕ VĂN KIỆT SỐ 11-TB VỀ QUYẾT ĐỊNH NGÀY 18 THÁNG 02 NĂM 1992 QUY ĐỊNH Y PHỤC CỦA CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC KHI ĐÓN TIẾP, LÀM VIỆC VỚI KHÁCH NƯỚC NGOÀI VÀ TRONG GIỜ LÀM VIỆC Ở CÔNG SỞ
Trong nhiều năm qua, đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế, điều kiện sinh hoạt và làm việc của các cơ quan và cán bộ còn nhiều hạn chế, Nhà nước chưa có những quy định chính thức về y phục của công chức Nhà nước khi đón tiếp và làm việc với các khách nước ngoài cũng như khi làm việc trong các công sở. Do đó, trong nhiều buổi đón tiếp, làm việc, thậm chí trong buổi lễ trang trọng, đã có tình trạng ăn mặc không thống nhất, tuỳ tiện, luộm thuộm. Tình hình này để kéo dài không có lợi về nhiều mặt.
Để thể hiện tính văn minh, lịch sự, tôn trọng khách và sự tôn trọng mình của mỗi cá nhân công chức, đồng thời để từng bước đưa phong cách làm việc, cách ăn mặc, giao tiếp của cơ quan Nhà nước vào nền nếp chính quy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định như sau:
1. Y phục trong các cuộc đón tiếp, làm việc, tiễn đưa các khách nước ngoài:
Khi tiếp khách nước ngoài (khách Nhà nước, khách từ các tổ chức quốc tế, các chính khách, các nhà kinh doanh v.v...) mỗi công chức Nhà nước cũng như viên chức các tổ chức sản xuất kinh doanh đều phải ăn mặc chỉnh tề, lịch sự.
a. Tuỳ theo thời tiết cụ thể của từng vùng, từng ngày (không nhất thiết chia một cách máy móc mùa đông, mùa hè) và tuỳ theo từng đoàn, từng buổi hoạt động của khách mà có trang phục phù hợp:
- Nam: Áo sơ-mi dài tay hoặc ngắn tay bỏ trong quần, quần âu dài, hoặc bộ ký giả, bộ com-lê (tùy điều kiện, ngoài mặt áo khoác ấm như: pa-đờ-suy, blu-dông), có thắt cra-vát, đi giầy hoặc dép có quai hậu.
- Nữ: Áo dài, bộ quần áo âu, bộ váy, ngoài mặc áo khoác ấm tuỳ điều kiện, đi giày hoặc dép có quai hậu.
- Quân đội, công an: Theo trang phục đã quy định.
b. Đối với các buổi lễ, các cuộc đón tiếp, hội đàm, chiêu đãi, tiễn đưa, v.v... các khách Nhà nước, Bộ Ngoại giao cần quy định cụ thể (ghi ngay trong giấy mời) trang phục trong từng buổi của người dự theo các điểm quy định nói trên (phân biệt nam, nữ, quân đội..). Trong các buổi có tính chất lễ tiết, ký kết văn bản, cần mặc màu sẫm, thì cũng cần ghi rõ, để bảo đảm các người dự kể cả khách nước ngoài ăn mặc thống nhất.
c. Ở các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, bộ phận phụ trách lễ tân cũng cần quy định thống nhất y phục của người dự trong từng buổi đón tiếp, làm việc...
2. Y phục trong giờ làm việc ở các công sở:
Trong các công sở các cấp trong giờ làm việc, y phục của mỗi công chức cũng đều phải chỉnh tề, văn minh. Trong tình hình đời sống còn khó khăn, y phục cần tiết kiệm, giản dị, nhưng nhất thiết không được tuỳ tiện, luộm thuộm, thiếu nghiêm túc và phải dần dần đi vào nền nếp chính quy.
Tuỳ theo điều kiện từng cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, từng ngành, có thể hướng dẫn quy định các y phục trong giờ làm việc ở cơ quan, xí nghiệp của công chức, công nhân, tiến dần đến mặc đồng phục (trong toàn cơ quan, xí nghiệp hoặc từng bộ phận) hoặc mỗi công chức, công nhân có đeo thẻ, ghi rõ tên, chức vụ và ảnh trong các công sở Nhà nước, trước hết là các bộ phận làm việc trực tiếp với nhân dân, tiến dần đến có biển đề tên và chức vụ của mỗi công chức ở cửa phòng và trên bàn làm việc.
Phải xoá ngay các cách ăn mặc thiếu nghiêm chỉnh như: Áo sơ-mi bỏ ngoài quần, đi dép lê, đội mũ (mũ cát, mũ phớt, mũ len..) trong phòng họp; không được hút thuốc lá trong phòng họp.
Quyết định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 03 năm 1992.
Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng xin thông báo để các bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp giải thích, hướng dẫn để thực hiện trong phạm vi quản lý của mình.
| Trần Xuân Giá (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.