VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2006 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC
TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC NGÀY 12 THÁNG 7 NĂM 2006
Ngày 12 tháng 7 năm 2006 tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia giáo dục đã họp phiên toàn thể để xem xét, thảo luận về một số nội dung quan trọng của giáo dục và đào tạo. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên Hội đồng. Sau khi nghe báo cáo về công tác chuẩn thị thực hiện phân ban ở trung học phổ thông, việc triển khai Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 và việc xây dựng Đề án thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) của Việt Nam, ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương thực hiện các giải pháp đẩy lùi tiêu cực trong giáo dục – đào tạo, chấn chỉnh ngay tình trạng dạy thêm, học thêm, loại trừ những tiêu cực trong thi cử, khắc phục căn bệnh thành tích của ngành giáo dục và có những giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục.
2. Cần quan tâm thích đáng đến giáo dục mầm non, đó là cơ sở ban đầu, là nền tảng của giáo dục trong những năm tiếp theo cả về nhân cách, trí tuệ và thể chất của học sinh.
3. Để thực hiện phân ban trung học phổ thông trong năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chuẩn bị thật tốt sách giáo khoa, đồ dùng thiết bị dạy học, đặc biệt là công tác bồi dưỡng giáo viên; hướng dẫn, chỉ đạo các trường tổ chức phân ban thật tốt, phù hợp với điều kiện, năng lực của nhà trường và nhu cầu học tập của học sinh. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự hiểu biết và đồng thuận trong xã hội.
4. Về việc thực hiện đề án đổi mới giáo dục đại học, Ban Chỉ đạo cần có cơ cấu phù hợp, cần nghiên cứu kỹ phương thức triển khai và bước đi thích hợp, lựa chọn một số vấn đề cốt lõi cần tập trung nhân lực và vật lực để tạo bước chuyển rõ rệt trong thời gian tới. Cần chú trọng đến nguồn lực phát triển giáo dục đại học, bao gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất kỷ thuật và tài chính; cơ cấu lại hệ thống về trình độ, ngành nghề, loại hình, vùng miền; đổi mới nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục đại học, gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học công nghệ, với nghề nghiệp trong xã hội; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước theo hướng xác định đúng quyền tự chủ của các trường đại học cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm định và có chính sách vĩ mô sáng suốt, làm cho việc phát triển về quy mô luôn gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước.
5. Tổ công tác xây dựng Đề án thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam cần xúc tiến sớm việc xây dựng đề án khả thi trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Cần luận chứng thật rõ ràng và có sức thuyết phục về các phương án để có được phương án tối ưu trong điều kiện nước ta. Mặt khác, hai đại học quốc gia và các trường đại học hàng đầu khác cũng cần tổ chức rút kinh nghiệm và bài học trong 10 năm qua, đánh giá khách quan những thành tựu cũng như những hạn chế, nguyên nhân chủ quan và khách quan, có giải pháp, bước đi và chỉ tiêu rất cụ thể để có thể đạt tới trình độ quốc tế ở từng lĩnh vực, từng chuyên ngành trong từng giai đoạn nhất định.
6. Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Thường trực Hội đồng Quốc gia giáo dục xây dựng chương trình công tác của Hội đồng trong thời gian tới. Chương trình công tác cần bám sát yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước, Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2006 – 2010 đã được Đại hội Đảng X thông qua. Cần lựa chọn các nội dung cụ thể, thiết thực, có tầm quan trọng chiến lược cho từng phiên họp để Hội đồng thảo luận và đi đến quyết định. Hội đồng sẽ giữ định kỳ 3 tháng họp một lần.
Cũng tại phiên họp này, sau khi bàn giao chức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đồng chí Phan Văn Khải đã phát biểu ý kiến bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; giáo dục phải phát triển mạnh để thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ ai cũng được học hành; khuyến khích các tỉnh sớm phổ cập trung học, chú trọng đầu tư cho các vùng dân tộc, vùng khó khăn, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục; ngành giáo dục cần kiên quyết đẩy lùi các tiêu cực, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về nền giáo dục, nhà trường, nhà giáo; tập trung xây dựng một số trường đại học có đẳng cấp quốc tế; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan và các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục biết và thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.