BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2011/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2011 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 53 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Thủ tục chất lượng nước của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (thuộc khuôn khổ Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, được ký ngày 05 tháng 4 năm 1995, giữa các Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Thái Lan), ký tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 01 năm 2011, có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2011.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao lục Thủ tục nêu trên theo quy định tại Điều 68 của Luật./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
| Ủy hội sông Mê Công quốc tế Vì sự phát triển bền vững |
Thủ tục Chất lượng nước
Trụ sở Ban Thư ký tại Phnom Penh (OSP) | Trụ sở Ban Thư ký tại Viên chăn (OSV)
|
Email: mrcs@mrcmekong.org | Website: www.mrcmekong.org |
ỦY HỘI SÔNG MÊ CÔNG QUỐC TẾ
THỦ TỤC CHẤT LƯỢNG NƯỚC
NỘI DUNG
MỞ ĐẦU
1. Định nghĩa
2. Mục tiêu
3. Nguyên tắc
4. Phạm vi
5. Quản lý Chất lượng nước
5.1. Thực hiện
5.2. Tình trạng khẩn cấp về chất lượng nước
5.3. Sự tham gia của cộng đồng
6. Cơ chế thực hiện
6.1. Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế
6.2. Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế
6.3. Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế
6.4. Ủy ban sông Mê Công Quốc gia
7. Điều khoản cuối cùng
7.1. Điều chỉnh hoặc sửa đổi
7.2. Hiệu lực thi hành
MỞ ĐẦU
Khẳng định lại cam kết chính trị và quyết tâm của các Quốc gia thành viên tiếp tục hợp tác trong việc sử dụng nước của lưu vực sông Mê Công trên tinh thần xây dựng và các bên cùng có lợi một cách công bằng và hợp lý trên lãnh thổ của mình, phù hợp với các điều kiện và tình hình liên quan nêu tại Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công ký tại Chiềng Rai, Thái Lan ngày 05 tháng 4 năm 1995 (dưới đây gọi tắt là Hiệp định Mê Công);
Căn cứ Nghị quyết Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế ngày 18 tháng 10 năm 1999 về Chương trình Sử dụng Nước, và quyết định của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế tháng 8 năm 2004 về việc thành lập Nhóm soạn thảo văn bản số 6 về Thủ tục Chất lượng Nước;
Nhận thức việc quản lý chất lượng nước hiệu quả rất cần thiết đối với phát triển bền vững tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Công;
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Hiệp định Mê Công, đặc biệt là các quy định liên quan đến chất lượng nước;
Ghi nhận mối quan tâm hàng đầu của Thủ tục này là chất lượng nước, tuy nhiên quản lý số lượng nước cũng cần được quan tâm trong thực hiện Thủ tục chất lượng Nước;
Do vậy chúng tôi phê chuẩn Thủ tục Chất lượng nước, dưới đây gọi tắt là “Thủ tục”:
1. Định nghĩa
Ngoài các định nghĩa được quy định ở Hướng dẫn Kỹ thuật thực hiện Thủ tục sẽ được Ủy ban Liên hợp thường xuyên chuẩn bị, xem xét và điều chỉnh, thuật ngữ “chất lượng nước tốt/chấp nhận được” có nghĩa là nước có chất lượng đáp ứng các nhu cầu sử dụng được các Quốc gia thành viên xác định.
2. Mục tiêu
Mục tiêu của Thủ tục là xác lập một khung hợp tác cho việc duy trì chất lượng nước tốt/chấp nhận được để thúc đẩy sự phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Công.
3. Nguyên tắc
Ngoài các nguyên tắc quy định trong Hiệp định Mê Công, Thủ tục này tuân thủ các nguyên tắc sau:
• Tiết kiệm;
• Trách nhiệm cao; và
• Minh bạch.
4. Phạm vi
Thủ tục này được áp dụng cho duy trì chất lượng nước trên dòng chính sông Mê Công. Đối với các dòng nhánh xuyên biên giới của Lưu vực sông Mê Công, các Quốc gia thành viên sẽ nỗ lực để duy trì chất lượng nước tốt/chấp nhận được trên cơ sở Hiệp định Mê Công và các quy định của Thủ tục, và Hướng dẫn thực hiện.
5. Quản lý Chất lượng nước
5.1. Thực hiện
Nhằm đạt được mục tiêu và có xem xét đến các nguyên tắc của Thủ tục được nêu trên, các Quốc gia thành viên sẽ:
5.1.1. Nỗ lực duy trì chất lượng nước tốt/chấp nhận được trên dòng chính;
5.1.2. Tăng cường các chương trình hiện có, và nếu cần thiết, có thể thành lập các chương trình chung mới để theo dõi và đánh giá chất lượng nước sông Mê Công;
5.1.3. Cùng nhau xây dựng Hướng dẫn Kỹ thuật thực hiện Thủ tục Chất lượng Nước để trình Ủy ban Liên hợp thông qua;
5.1.4. Tiến hành nghiên cứu Hướng dẫn Kỹ thuật nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Thủ tục.
5.2. Tình trạng khẩn cấp về chất lượng nước
Từng Quốc gia thành viên, và khi cần thiết sẽ phối hợp, xây dựng các kế hoạch khẩn cấp để ứng phó với bất kỳ vấn đề chất lượng nước đặc biệt nào có tính cấp bách đòi hỏi phải có phản ứng ngay.
Trong trường hợp có sự cố khẩn cấp về chất lượng nước, các Quốc gia thành viên sẽ nhanh chóng hành động, bằng các biện pháp cấp bách nhất, theo các Điều 7 và 10 của Hiệp định Mê Công và Điều 22 về Quy chế Hoạt động của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các quy định khác có thể được lập ra trong Hướng dẫn Kỹ thuật thực hiện Thủ tục Chất lượng Nước.
5.3. Sự tham gia của cộng đồng
Các Quốc gia thành viên sẽ nỗ lực tăng cường nhận thức và thúc đẩy việc tham gia của cộng đồng trong duy trì chất lượng nước tốt/chấp nhận được.
6. Cơ chế thực hiện
Việc thực hiện Thủ tục đòi hỏi sự tham gia tích cực của Hội đồng, Ủy ban Liên hợp, Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các Ủy ban sông Mê Công Quốc gia với các vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm như sau:
6.1. Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế
Chức năng của Hội đồng theo Thủ tục này phù hợp với các quy định tại Hiệp định Mê Công, Quy chế Hoạt động của Hội đồng và các thủ tục liên quan khác.
6.2. Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế
Ngoài các quy định của Hiệp định Mê Công và Quy chế Hoạt động và các quy chế và thủ tục liên quan khác đã được Hội đồng phê chuẩn, các chức năng/vai trò/trách nhiệm của Ủy ban Liên hợp liên quan đến Thủ tục này bao gồm các nội dung chính sau:
6.2.1. Tăng cường, duy trì và, nếu cần thiết, xác lập các trạm giám sát chất lượng nước mới theo các mục tiêu và nguyên tắc của Thủ tục;
6.2.2. Xác lập một khung quản lý chất lượng nước nhằm đạt được mục tiêu chất lượng nước;
6.2.3. Phối hợp với tất cả các Ủy ban sông Mê Công Quốc gia để thực hiện hiệu quả Thủ tục; và
6.2.4. Chuẩn bị, thông qua, rà soát, và khi cần thiết, điều chỉnh Hướng dẫn Kỹ thuật thực hiện Thủ tục.
Ủy ban Liên hợp có thể giao toàn bộ hoặc một số trách nhiệm cho một bộ phận kỹ thuật, là nhóm công tác thường xuyên do Ủy hội sông Mê Công quốc tế lập.
6.3. Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế
Ngoài các chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định tại Hiệp định Mê Công và các nhiệm vụ do Hội đồng và Ủy ban Liên hợp giao và được nêu tại các quy chế và thủ tục liên quan khác, vai trò và trách nhiệm của Ban Thư ký trong thực hiện Thủ tục này bao gồm các nội dung chính sau:
6.3.1. Trợ giúp về mặt kỹ thuật và hành chính cho Ủy ban Liên hợp và bộ phận kỹ thuật trong việc xây dựng một khung quản lý chất lượng nước.
6.3.2. Hỗ trợ Ủy ban Liên hợp, bộ phận kỹ thuật và các Ủy ban sông Mê Công Quốc gia, bằng các hoạt động điều phối, công tác hậu cần, phân tích và đánh giá kỹ thuật, chuẩn bị các báo cáo cần thiết, bao gồm báo cáo hàng năm lên Ủy ban Liên hợp về chất lượng nước của dòng chính và cung cấp kịp thời tài liệu thích hợp phục vụ việc thảo luận; và
6.3.3. Hỗ trợ cho quá trình giải quyết vấn đề và đi đến đồng thuận nhằm đảm bảo các đánh giá và khuyến nghị kỹ thuật được thực hiện thành công và tiết kiệm.
6.4. Ủy ban sông Mê Công Quốc gia
Các chức năng, vai trò và trách nhiệm của các Ủy ban sông Mê Công Quốc gia thông qua sự chỉ đạo của các Ủy viên Hội đồng và Ủy ban Liên hợp và theo các điều khoản của Hiệp định Mê Công và các quy chế và thủ tục liên quan, bao gồm các nội dung chính sau:
6.4.1. Thông báo cho các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan về Thủ tục này để bảo đảm thực hiện hiệu quả;
6.4.2. Bảo đảm việc theo dõi, thu thập số liệu và báo cáo theo yêu cầu để thực hiện Thủ tục;
6.4.3. Chịu trách nhiệm về hợp tác với Ban Thư ký trong xác lập, vận hành và duy trì các trạm giảm sát chất lượng nước và các quy trình cần thiết khác để báo cáo tình hình chất lượng nước và các thủ tục cho tình trạng khẩn cấp ở mỗi Quốc gia thành viên;
6.4.4. Thông báo cho các cơ quan thành viên, các nhà chức trách địa phương và các bên liên quan quan tâm về các kế hoạch, chương trình và hoạt động liên quan nhằm hỗ trợ duy trì chất lượng nước tốt/chấp nhận được trên dòng chính; và
6.4.5. Hỗ trợ Ban Thư ký trong chuẩn bị Báo cáo hàng năm về chất lượng nước trên dòng chính thông qua việc cung cấp các thông tin cần thiết.
7. Điều khoản cuối cùng
7.1. Điều chỉnh hoặc sửa đổi
Mọi điều chỉnh hoặc sửa đổi Thủ tục này phải được Ủy ban Liên hợp trình lên Hội đồng phê chuẩn.
7.2. Hiệu lực thi hành
Thủ tục này có hiệu lực trong các Quốc gia thành viên kể từ ngày Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế phê chuẩn.
Thủ tục này, phản ánh cam kết chính trị của các Quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế, được Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế phê chuẩn ngày 26 tháng 01 năm 2011 tại Phiên họp lần thứ 17 Hội đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
----------------------------------------------------------
Ngài Lim Kean Hor
Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Vương quốc Campuchia
----------------------------------------------------------
Bà Khempheng Pholsena
Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
----------------------------------------------------------
Ngài Suwit Khunkitti
Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Vương quốc Thái Lan
----------------------------------------------------------
Ngài Phạm Khôi Nguyên
Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.