VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI KIỂM TRA, CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG HẠN TẠI CÁC TỈNH: NINH THUẬN, KHÁNH HÒA
Trong các ngày 14 và 15 tháng 3 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn tại các tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa; cùng đi có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính. Sau khi thị sát một số hồ chứa nước và một số khu vực bị hạn, nghe các báo cáo của địa phương, ý kiến của các Bộ, Phó Thủ tướng đã kết luận, chỉ đạo như sau:
1. Tình hình hạn hán và công tác chỉ đạo phòng, chống hạn:
- Từ cuối năm 2014 đến nay, tại các tỉnh Trung và Nam Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng, trong đó Ninh Thuận là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất vì là địa phương nằm trong vùng có lượng mưa thấp nhất cả nước (năm 2014 tổng lượng mưa bình quân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 300mm, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 50-70%). Đây là đợt hạn nặng nhất trong 10 năm trở lại đây, tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó trên 6.100 ha đất sản xuất vụ Đông Xuân của tỉnh Ninh Thuận đã phải ngừng sản xuất do thiếu nước, đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt tại một số khu vực tại các huyện Bác Ái, Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận). Đa số các hồ chứa nước ở Ninh Thuận và hồ chứa Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hòa đã cạn kiệt, mực nước trong các hồ đều ở dưới mực nước chết trong khi nguồn nước bổ sung vào hồ rất thấp, một số hồ chứa không còn nước, không có nguồn bổ sung.
- Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã chủ động có các công điện chỉ đạo chống hạn với tinh thần khẩn trương, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc, xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, sử dụng các phương tiện (kể cả xe cứu hỏa) để chở nước sinh hoạt với mục tiêu không để người dân bị khát.
Theo dự báo, thời gian tới có khả năng xuất hiện El Nino; từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2015 nền nhiệt độ ở khu vực Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5 đến 1,0°C; nắng nóng ở khu vực Nam Trung Bộ có khả năng xuất hiện sớm, diễn ra trong nhiều đợt; mùa mưa đến muộn, dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục giảm mạnh, các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận thấp hơn từ 60 đến 80%, nhiều khả năng ở hạ lưu các sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 9 năm 2015, mặn có khả năng xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, ven biển. Tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân có nguy cơ còn tiếp tục khó khăn hơn.
2. Các nhiệm vụ trong thời gian tới:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới. Thống nhất với các giải pháp phòng, chống hạn trong thời gian tới mà các Bộ, địa phương đã đề ra bao gồm cả các giải pháp ngắn hạn, giải pháp dài hạn; trong quá trình thực hiện, các Bộ, địa phương cần lưu ý tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Về các giải pháp trước mắt:
- Trước hết phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được tình hình hạn hán, khó khăn hiện nay, vận động người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ nguồn nước, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, phổ biến các phương pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày (đặc biệt là đối với những vùng thường xuyên có nguy cơ thiếu nước như Ninh Thuận). Phải giữ cho được mục tiêu là không để người dân bị đói, bị khát, không để người dân phải sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh nhằm tránh phát sinh dịch bệnh.
- Thực hiện các biện pháp, kể cả các biện pháp đặc thù như đào ao, khoan giếng, tạo các vũng chứa nhỏ,... để trữ nước, bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt của người dân và chăn nuôi gia súc.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo, tổ chức cấp phát số gạo cứu đói đã được hỗ trợ theo Quyết định số 292/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tiếp tục theo dõi, rà soát để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ lương thực cho người dân, không để người dân bị thiếu đói do hạn hán, nhất là tại các khu vực không sản xuất được.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương rà soát các hồ chứa nước trên địa bàn, tính toán cân đối lại nguồn nước hiện có để chỉ đạo điều hành nguồn nước, ưu tiên đảm bảo nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, sau đó mới đến nước cho sản xuất, xác định lịch xả nước của các hồ thủy điện, thủy lợi để thông báo cụ thể lịch xả nước cho người dân chủ động lấy nước, trữ nước, hạn chế thất thoát nước.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xác định cơ cấu cây trồng vụ Hè Thu năm 2015 phù hợp với điều kiện thiếu nước, chủ động chỉ đạo hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng có khả năng chịu hạn cao tại những khu vực có nguy cơ hạn hán, tránh thiệt hại do thiếu nước.
- Tổ chức cảnh báo cháy rừng, ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra cháy rừng; chủ động triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Các giải pháp lâu dài:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước và một số lưu vực sông quan trọng làm cơ sở quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước và quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn tài nguyên nước.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bố trí cây trồng phù hợp đối với từng khu vực tùy theo điều kiện nguồn nước; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các công nghệ, biện pháp tưới tiết kiệm nước.
- Đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hiện có để đảm bảo an toàn và chủ động tích nước, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.
- Đối với tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận cần phải có định hướng riêng, xem xét bổ sung vào cơ chế đặc thù trong Đề án cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6 năm 2015.
3. Về các kiến nghị của các địa phương:
a) Hỗ trợ khắc phục hạn hán:
Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ chung cho các địa phương, trong đó có các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa trước ngày 25 tháng 3 năm 2015 theo chỉ đạo tại Công văn số 1477/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 3 năm 2015.
Để hỗ trợ Ninh Thuận có nguồn lực kịp thời triển khai phòng, chống hạn, trong khi chờ rà soát, xử lý hỗ trợ chung, giao Bộ Tài chính xử lý:
- Tạm ứng 40 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, trong đó có hỗ trợ kinh phí mua, vận chuyển nước sinh hoạt, thức ăn chăn nuôi gia súc (trâu, bò, cừu, dê), đào ao, giếng, chuyển đổi cây trồng cho các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn, chính sách ở vùng thiếu nước.
- Xuất cấp (không thu tiền) 300 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận để tiếp tục hỗ trợ cứu đói cho các hộ khó khăn, đặc biệt là gia đình chính sách.
b) Về các dự án đầu tư:
- Đối với dự án đập hạ lưu sông Dinh, hồ chứa Kiền Kiền và một số công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có trong danh mục các dự án đầu tư ngắn hạn trong Đề án cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong danh mục các dự án ứng trước kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Đối với đầu tư Hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận: Đây là hồ chứa nước có dung tích trữ lớn (lớn hơn toàn bộ tổng dung tích thiết kế của 21 hồ chứa nước hiện có trên địa bàn tỉnh hiện nay), là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận; khi hoàn thành công trình sẽ góp phần bảo đảm cân bằng nước, cấp nước tưới, cắt lũ, giảm lũ và chống hạn, cấp nước sinh hoạt, đồng thời bổ sung nguồn nước cho nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đồng ý đưa dự án hồ chứa nước Tân Mỹ vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; ứng 200 tỷ đồng trong năm 2015 để khởi động lại dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng vào giữa năm 2017 nhằm góp phần giải quyết tình trạng hạn hán, thiếu nước ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính rà soát, thống nhất nguồn vốn để xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phần vốn còn lại bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
- Đối với hồ chứa nước Hố Mây, tỉnh Khánh Hòa: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề xuất đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư của dự án nâng cao an toàn đập (WB8).
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.