BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8744/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2015 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
Ngày 16 tháng 10 năm 2015, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các Bộ, Ban ngành, các địa phương, các đơn vị: Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp, cơ quan báo chí và truyền thông.
Sau khi nghe báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020, các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận như sau:
1. Ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng gây ảnh hưởng trước mắt và lâu dài đến sự phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn, nếu không làm tốt công tác bảo vệ môi trường thì không thể sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững. Sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; toàn ngành cần phải làm liên tục và nghiêm túc trong thời gian tới.
2. Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường còn chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và PTNT đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường đạt được một số kết quả tốt: nhiều biện pháp canh tác tiên tiến, sản xuất sạch được áp dụng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trong lĩnh vực lâm nghiệp, chỉ tiêu độ che phủ và trữ lượng rừng tăng, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, số vụ cháy rừng giảm trong giai đoạn vừa qua... được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về nhiều phương diện. Tuy vậy, nhìn chung tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, ở nhiều vùng nông thôn tiếp tục gia tăng; tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều nơi.
3. Nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại là nhận thức vẫn nặng về tập trung cho sản xuất, chưa chú trọng đúng mức đến bảo vệ môi trường; chưa bám sát, cập nhật các văn bản pháp luật; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, đồng bộ; đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đúng mức; bộ máy quản lý còn bất cập, phần lớn chỉ có cán bộ kiêm nhiệm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không triệt để.
4. Định hướng công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2020
4.1. Mục tiêu:
Giảm thiểu và tính đến ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
4.2. Quan điểm:
- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới không làm xấu hơn mà phải góp phần cải thiện môi trường.
- Lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch và các chương trình dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng phòng ngừa là chính.
- Bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn là trách nhiệm của toàn dân, cộng đồng, doanh nghiệp, của các ngành, các cấp; trước hết là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
4.3. Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:
a) Quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Bộ về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động không chỉ với người sản xuất mà cả người tiêu dùng để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn.
b) Lồng ghép tối đa các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển các lĩnh vực của ngành. Xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể về bảo vệ môi trường ở mỗi địa phương, chuyên ngành.
c) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về môi trường, công tác quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, nông thôn; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường nghiên cứu về môi trường nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất sạch, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, công nghệ mới để xử lý ô nhiễm môi trường.
d) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia bảo vệ, cung ứng các dịch vụ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
đ) Tập trung thực hiện Quyết định số 2502/QĐ-BNN-KHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản.
e) Tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có bộ phận và cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý môi trường; Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn từ nguồn sự nghiệp môi trường.
Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.