VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CHỦ TỊCH TRUNG ƯƠNG HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Ngày 22 tháng 02 năm 2012, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Y tế, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam báo cáo một số kết quả nổi bật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 2009 đến nay và thực hiện ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo nội dung Thông báo số 06/TB-VPCP ngày 05 tháng 01 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan về những đề xuất, kiến nghị của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ; ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. VỀ PHỐI HỢP CÔNG TÁC CỦA CHÍNH PHỦ VÀ TRUNG ƯƠNG HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Năm 2011, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực cả của hệ thống chính trị và sự quản lý, điều hành có hiệu quả của Nhà nước, nước ta đã vượt qua được khó khăn, thách thức, ứng phó có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình, đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá cao, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường… Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có bước phát triển, tăng thêm 1,6 triệu việc làm cho người lao động, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước giảm 2% so với năm 2010.
Trong thành tựu chung đó, Chính phủ ghi nhận và biểu dương sự đóng góp tích cực quan trọng của Hội phụ nữ các cấp và đông đảo chị em phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ đánh giá cao vai trò và kết quả công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực trong việc tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương. Nổi bật là việc phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền và tham gia thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Nghị quyết số 11/NQ-CP , các chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em… góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Năm 2012, dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp khó lường. Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ vẫn là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6%; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2016.
Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đất nước trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tập trung vào các nội dung công tác trọng tâm sau:
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện và nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động để đáp ứng yêu cầu của phụ nữ cả nước trong tình hình mới như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các mô hình tiết kiệm “Làm theo gương Bác”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”…
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ phụ nữ vươn lên làm giàu; chú trọng công tác dạy nghề gắn với việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam đến năm 2020 để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu, giám sát và tham gia thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới, về dân số, các chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em…; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, xâm hại trẻ em; khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên và thanh niên, không để xảy ra những hình ảnh xấu trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
- Củng cố, kiện toàn hệ thống các cấp Hội, nhất là ở cơ sở, địa bàn khó khăn, khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, công tác hòa giải; tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
II. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Đề nghị có Chính sách hỗ trợ 1 lần cho phụ nữ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số (khoảng 2 triệu đồng).
Đồng ý về nguyên tắc. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài chính và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Về việc tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong khuôn khổ Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020.
Đồng ý việc Hội thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách về phát triển nguồn nhân lực nữ trong khuôn khổ Chiến lược và Quy hoạch Phát triển nhân lực của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Về việc bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ phụ nữ xóa đói, giảm nghèo và Quỹ Tình thương.
Đồng ý tăng thêm 100 tỷ đồng trong năm 2012. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn, trình Thủ tướng Chính phủ.
4. Đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ và nam làm công việc nặng nhọc, độc hại; tăng tuổi nghỉ hưu với một bộ phận cán bộ công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên mà đang làm công việc đúng trình độ; giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ chuyên trách cơ sở.
- Về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Chính phủ đã thảo luận và điều chỉnh trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) theo hướng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị.
- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ chuyên trách cơ sở cần được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trong thời gian tới, khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả cán bộ chuyên trách ở cơ sở.
5. Cho phép Hội xây dựng Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ giai đoạn 2012 - 2020.
Đồng ý về nguyên tắc. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sau khi Chính phủ tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008 - 2012 và các Đề án trọng tâm của Chương trình.
6. Cho phép xây dựng Đề án thí điểm phát triển nhóm trẻ gia đình dựa vào cộng đồng ở những khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng ý để Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm theo mô hình nhà giữ trẻ phù hợp, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển, sức khỏe, an toàn của trẻ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam
a) Xin cơ chế thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sớm hoàn chỉnh hồ sơ Đề án khả thi thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp chưa có đủ diện tích đất theo quy định của pháp luật, cho phép thành lập Học viện trên cơ sở vật chất hiện có của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm việc với địa phương liên quan tạo điều kiện bố trí đủ diện tích đất xây dựng Học viện.
b) Xin cấp tiền đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở 2 Học viện tại Bắc Ninh
Đồng ý về nguyên tắc. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sớm hoàn thiện các thủ tục, phê duyệt quyết định đầu tư dự án theo quy định hiện hành, xác định rõ tổng mức đầu tư, nguồn vốn; trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cân đối, bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án.
c) Đề xuất xây dựng Đề án Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp theo chức danh, lĩnh vực, vị trí công tác giai đoạn 2013 - 2020.
Đồng ý về chủ trương. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án trên cơ sở đánh giá cụ thể kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc khi thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường thị trấn giai đoạn 2008 - 2012 (Đề án 664).
8. Xây dựng văn bản thay thế Nghị định số 19/2003/NĐ-CP về việc các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.
Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3 năm 2012.
9. Xin miễn, giảm thuế của Tổ chức Tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương (TYM).
Đồng ý về nguyên tắc. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam căn cứ vào Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2011, đề xuất mức miễn, giảm thuế phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Xin thành lập một tổ chức Hỗ trợ Tài chính vi mô (TCVM) thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; cho phép tổ chức Hỗ trợ Tài chính vi mô được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Đồng ý về chủ trương. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo thẩm quyền xem xét việc cấp phép thành lập tổ chức Hỗ trợ Tài chính vi mô thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; những vấn đề vượt quá thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp: Giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ.
11. Xây dựng Trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Đồng ý về nguyên tắc. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lập phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của Hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội để chuẩn bị đầu tư xây dựng mới trụ sở Hội.
12. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện trong thực hiện một số Đề án:
a) Xin chủ trương thành lập một số Trung tâm Phụ nữ và phát triển tại một số địa bàn cụ thể; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn khởi công mới xây dựng các Trung tâm dạy nghề khu vực.
- Đồng ý về nguyên tắc. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về quy mô, tổng mức đầu tư, nguồn vốn theo các quy định của Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; làm việc với các địa phương về địa điểm xây dựng Trung tâm Phụ nữ và phát triển, trên cơ sở đó trình các cấp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc xây dựng mới các Trung tâm dạy nghề; đối với những địa phương có Trung tâm dạy nghề thì Hội phối hợp để sử dụng có hiệu quả các cơ sở này.
b) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục cấp không thu tiền Báo Phụ nữ Việt Nam thường kỳ 3 số/tuần, mở rộng Đề án cấp Báo Phụ nữ Việt Nam miễn phí (Đề án 975) cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ ở các xã đặc biệt khó khăn và chi hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn của xã Vùng II trên quy mô rộng hơn.
- Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện việc cấp báo hàng năm, đề xuất điều chỉnh, bổ sung theo quy định tại Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015”. Việc mở rộng Đề án cấp Báo Phụ nữ Việt Nam miễn phí (Đề án 975) cần căn cứ trên cơ sở thật sự thiết thực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa thông tin về các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo phục vụ các cấp Hội cơ sở và chị em phụ nữ gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở.
13. Đề nghị cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre nâng cấp xây dựng khu lưu niệm Bà Nguyễn Thị Định.
Theo phân cấp hiện hành, việc quyết định đầu tư cho dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng đề án với quy mô phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
14. Về việc giúp Hội Phụ nữ Lào xây dựng Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Phụ nữ Lào lập đề cương sơ bộ của dự án gửi các cơ quan liên quan mỗi bên để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hai nước xem xét đưa vào Hiệp định hợp tác hàng năm theo quy định tại Quy chế tài chính và quản lý dự án sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào ký ngày 12 tháng 12 năm 2011.
15. Xây dựng kênh truyền hình phụ nữ
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nghiên cứu, xem xét, nâng cao chất lượng chương trình chuyên đề phụ nữ để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền cho phụ nữ theo từng thời kỳ và hài hòa trong chương trình phát thanh, truyền hình chung của cả nước.
16. Vấn đề nữ Thứ trưởng một số Bộ: Về vấn đề này, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.