BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68A/TB-BTTTT | Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG TRƯƠNG MINH TUẤN TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 10 CỦA BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN SỐ HÓA TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM (01/04/2016)
Ngày 01/04/2016, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức Phiên họp lần thứ 10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, các thành viên Ban chỉ đạo thuộc các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Đài truyền hình Việt Nam; các thành viên Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo; và đại diện Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình của 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Sau khi nghe báo cáo của Tiểu ban giúp việc và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Công tác thông tin tuyên truyền
Giao Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chủ trì, phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan sớm trình Bộ TT&TT ban hành Đề án và kế hoạch thông tin, tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tổng kết kết quả triển khai của giai đoạn 2013- 2015. Xem xét kế thừa các phương thức tuyên truyền hiệu quả trong giai đoạn trước, cân nhắc việc thay đổi cách thức tuyên truyền, tập trung vào đối tượng đang sử dụng truyền hình tương tự mặt đất, nội dung tuyên truyền cần phù hợp với thời gian ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất, địa bàn bị ảnh hưởng.
2. Thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương
Thời điểm ngừng phát sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Bình Dương (trừ kênh truyền hình tương tự mặt đất của Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương) là từ ngày 15/08/2016.
3. Đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương lân cận cho giai đoạn 1
Các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng phối hợp với các địa phương, rà soát, đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất bao trùm vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các đài phát sóng chính, chất lượng phủ sóng đảm bảo theo quy định.
4. Chuẩn bị triển khai số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn 2
Giao Cục Tần số VTĐ - Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, lấy ý kiến các địa phương liên quan có điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, đề xuất địa bàn cụ thể ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo giai đoạn 2.
4.1. Kết hợp số hóa truyền hình mặt đất và truyền hình qua vệ tinh đối với địa bàn miền núi, hải đảo
- Giao Cục Tần số VTĐ, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, RTB, SDTV, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC nghiên cứu, xác định các địa bàn thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất;
- Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số VTĐ) có văn bản gửi UBND các tỉnh có địa hình miền núi, hải đảo đề nghị báo cáo về tình hình hoạt động, hiệu quả của các trạm phát lại truyền hình tương tự, đề xuất địa bàn nào cần số hóa truyền hình mặt đất và địa bàn nào thực hiện hỗ trợ đầu thu qua vệ tinh khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.
- Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của các địa phương, Cục Tần số VTĐ phối hợp với các đơn vị liên quan xác định địa bàn cụ thể cần số hóa truyền hình mặt đất và địa bàn cụ thể thực hiện hỗ trợ đầu thu qua vệ tinh khi các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất ngừng hoạt động;
- Giao Viện Chiến lược TT&TT - Bộ TT&TT đề xuất sửa đổi Quyết định 2451/QĐ-TTg để có cơ sở thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại địa bàn miền núi, hải đảo.
4.2. Hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất
Giao Cục Tần số VTĐ - Bộ TT&TT tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới, đã có máy thu truyền hình tương tự và chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình Internet (IPTV), do các địa phương bị ảnh hưởng khi ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại giai đoạn 1 cung cấp, gửi Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để có kế hoạch hỗ trợ bổ sung trong thời gian tới.
Giao Quỹ dịch vụ viễn thông công ích - Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục Tần số VTĐ đề xuất việc hỗ trợ STB cho địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo giai đoạn 2.
5. Vấn đề khác
5.1. Phân công truyền tải kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu (PVNVCT)
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT &TT báo cáo Bộ TT&TT về việc phân công truyền tải kênh truyền hình PVNVCT của Trung ương và địa phương vào tháng 06/2016.
5.2. Định mức truyền dẫn, phát sóng
Viện Chiến lược TT &TT - Bộ TTTT trình dự thảo về định mức tạm thời truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình thiết yếu trong tháng 06/2016, và dự thảo Thông tư về định mức truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất vào tháng 09/2016.
Trong thời gian chưa ban hành định mức truyền dẫn phát sóng kênh chương trình PVNVCT, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng phối hợp chặt chẽ, cụ thể với các địa phương để truyền dẫn, phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu phù hợp với quy hoạch, trên cơ sở tận dụng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng hiện có của các địa phương, đảm bảo điều kiện duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
5.3. Kế hoạch triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 2016-2018
Cục Tần số VTĐ hoàn thiện nội dung dự thảo Quyết định về phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2016-2018 trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trình Ban Chỉ đạo xem xét, phê duyệt.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.