VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2013 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2014 CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Ngày 10 tháng 01 năm 2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của ngành Công Thương. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Công Thương, Sở Công Thương và các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ; đại diện một số Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số Bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương năm 2014, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận chỉ đạo như sau:
1. Về kết quả hoạt động năm 2013
Nhất trí với những đánh giá nêu trong Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương, cả về các thành tích, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế. Năm 2013, bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế phục hồi chậm; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế đất nước; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước ta đã hoàn thành cơ bản mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2013 mà Trung ương Đảng, Quốc hội đề ra.
Trong thành tựu, kết quả chung của đất nước năm 2013, có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Công Thương. Ngành đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,9%; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế: cung ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển và có công suất dự phòng chắc chắn hơn; cung ứng xăng dầu, than…được đảm bảo; xuất khẩu được đẩy mạnh (tăng cả về số lượng và giá trị); nhập khẩu được kiểm soát tốt và là năm thứ hai liên tục có xuất siêu (xuất siêu năm 2013 đạt 863 triệu USD). Công tác mở rộng thị trường ngoài nước, phát triển thị trường trong nước, nhất là tại địa bàn nông thôn, miền núi có những bước tiến đáng kể. Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tích cực triển khai và đạt được những kết quả khả quan; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với 2012, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, không để thiếu hàng, sốt giá; công tác quản lý thị trường được chú trọng hơn; công tác đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 được quán triệt và có nhiều nỗ lực, kết quả; công tác cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng được tiếp tục đẩy mạnh…
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành Công Thương cũng đã nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế như Báo cáo tổng kết đã nêu để phấn đấu nỗ lực khắc phục, giải quyết trong năm 2014 và thời gian tới.
2. Về mục tiêu nhiệm vụ năm 2014 và những năm tiếp theo
Nhất trí với các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014 của ngành Công Thương được đề ra trong Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và các địa phương cần lưu ý tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện thể chế, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung hoàn thiện các Quy hoạch ngành sản xuất, nhất là các Quy hoạch có tính định hướng lớn, các ngành sản xuất mũi nhọn, cấp thiết. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý để vừa tháo gỡ khó khăn, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, đây là trách nhiệm cao nhất của Bộ Công Thương. Sớm nghiên cứu, dự thảo Nghị định về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; rà soát, báo cáo Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô…
b) Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp phải gắn liền với việc chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong từng sản phẩm.
Hết sức chủ động trong việc đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bộ Công Thương chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất các giải pháp về nguồn vốn trung hạn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành hàng, doanh nghiệp đang có thị trường hoặc có nhiều cơ hội đón đầu, tận dụng các lợi thế từ các FTA.
c) Chú trọng phát triển thị trường nội địa, tập trung mở rộng thị trường ngoài nước. Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành, Hiệp hội ngành hàng tăng cường công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng. Phát huy hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước theo đúng pháp luật và cam kết quốc tế.
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất và ban hành các chính sách nhằm khai thác tốt nhất lợi thế do các FTA mang lại. Bên cạnh đó, tập trung đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhtan, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU…
d) Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành kinh doanh điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá. Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách.
đ) Triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương. Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những biện pháp hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời nhân rộng mô hình bình ổn giá của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời có lợi cho người tiêu dùng.
e) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là đối với mặt hàng thuốc lá; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dụng và chất lượng và số lượng, góp phần hạn chế nhập khẩu, ngăn chặn nhập lậu.
g) Thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu của Bộ đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ. Tập trung thực hiện nghiêm túc Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015… tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Về các đề xuất, kiến nghị
Cơ bản nhất trí với những kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ động với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.