VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 45 CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
Ngày 09 tháng 02 năm 2012 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp thường kỳ lần thứ 45 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng kết công tác của Hội đồng năm 2011, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 và thảo luận về dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” trình Bộ Chính trị.
Sau khi nghe đại diện Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình bày các Báo cáo và ý kiến phát biểu thảo luận của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
Năm 2011 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của ta. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước, đất nước đã vượt qua được khó khăn, thách thức, ứng phó có kết quả với diễn biến phức tạp của tình hình, đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá cao, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường… Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của công tác thi đua, khen thuởng. Hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cấp tích cực và có hiệu quả hơn; thể chế về thi đua, khen thưởng từng bước được bổ sung hoàn thiện; các phong trào thi đua nhìn chung phát triển sâu rộng, thiết thực; chất lượng công tác khen thưởng được nâng lên. Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, cần sớm được khắc phục. Việc tổ chức phát động và thực hiện phong trào thi đua trong nhiều trường hợp còn hình thức; hoạt động của cụm, khối thi đua chưa phong phú, chưa phát huy thế mạnh của từng đơn vị; việc bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng còn tràn lan, chất lượng và tính tôn vinh chưa cao, quy trình thủ tục chưa được cải tiến.
Phát huy những kết quả đạt được của năm 2011, công tác thi đua, khen thưởng năm 2012 cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Trên tinh thần quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng và tư tưởng về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương cần tổ chức, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của đất nước, mỗi cơ quan có kế hoạch cụ thể để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát các giải pháp theo nội dung Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, tạo tiền đề vững chắc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
2. Tổng kết, đánh giá hoạt động của cụm thi đua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khối thi đua các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương giai đoạn 2006 - 2011, nhằm rút kinh nghiệm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua, khắc phục tình trạng hình thức, bệnh thành tích và sự chồng chéo trong hoạt động của cụm, khối thi đua.
3. Trong thời gian Luật Thi đua, Khen thưởng chưa được sửa đổi, bổ sung, lãnh đạo các ngành, các cấp tiếp tục tập trung, chỉ đạo công tác khen thưởng bảo đảm chặt chẽ, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc, tránh tình trạng khen tràn lan và quan tâm tới khen thưởng đột xuất, khen nhiều cho đối tượng là người dân, người lao động trực tiếp.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực để nâng cao nhận thức của xã hội; phát hiện kịp thời, nêu gương các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước. Các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về gương “Người tốt, việc tốt” và đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng nội dung chương trình để đưa tin về các tập thể, cá nhân khi được khen thưởng các danh hiệu cao quý của Nhà nước.
5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng trên cơ sở xây dựng chương trình công tác, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Đối với bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng cần chú ý bố trí cán bộ có đủ năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm để đủ sức tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng.
6. Về Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Giao Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) tổng hợp nghiên cứu các ý kiến tham gia để hoàn thiện dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị. Đồng thời, có kế hoạch đánh giá, tổng kết 8 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng để làm cơ sở cho sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.