VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 467/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
Ngày 06 tháng 12 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến để tổng kết 10 năm thực hiện điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm và bàn về mô hình tổ chức điều phối, quy chế phối hợp trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo của 24 tỉnh, thành phố thuộc bốn vùng Kinh tế trọng điểm. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và ý kiến của các Bộ, địa phương liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, các vùng Kinh tế trọng điểm đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 90%, thu ngân sách nhà nước chiếm trên 89% và thu hút đầu tư FDI chiếm 82% số vốn cả nước... đã trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của các vùng, lãnh thổ, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các vùng và cả nước.
Đạt được kết quả trên, một phần là do công tác điều phối giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong 10 năm qua đã có nhiều nỗ lực cố gắng, sự phối hợp xử lý những vấn đề có tính liên kết vùng như công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực có tính đến biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng cấp vùng và liên vùng như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cấp nước, xử lý ô nhiễm môi trường; công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư,... đã đạt được một số kết quả nhất định, hạn chế việc phát triển theo phong trào, cục bộ.
2. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hình thức nên hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các việc có tính chất liên vùng; việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa có tính lâu dài, phạm vi liên kết hạn chế, tổ chức triển khai các liên kết chậm, chưa thực sự kết nối và phát huy được tiềm năng phát triển của các vùng.
Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu, rộng thì việc liên kết giữa các địa phương trong vùng cũng như giữa các vùng Kinh tế trọng điểm sẽ có tác dụng hỗ trợ phát triển, nâng cao sức cạnh tranh đối với nền kinh tế, do đó việc tăng cường, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và điều phối các vùng Kinh tế trọng điểm và xây dựng quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại trên là rất cần thiết.
3. Để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan và các địa phương tại cuộc họp, khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm và quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
a) Thành lập Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm của từng vùng với thành viên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc vùng Kinh tế trọng điểm. Chủ tịch Hội đồng vùng do các thành viên Hội đồng đảm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo hình thức luân phiên với nhiệm kỳ từ 1-2 năm; riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nghiên cứu cơ cấu phù hợp với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào Hội đồng vùng trên cơ sở sự thống nhất của các địa phương trong vùng này. Bộ phận giúp việc cho Hội đồng vùng sử dụng bộ máy, biên chế của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thức tham gia trong Hội đồng vùng với tư cách là thành viên của Hội đồng.
b) Giữ nguyên tổ chức điều phối cấp Trung ương. Kiện toàn tổ chức Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đảm bảo đủ nhân lực (bao gồm cả cán bộ chuyên trách) để thực hiện chức năng chỉ đạo, theo dõi kiểm tra và điều phối hoạt động liên kết của các vùng Kinh tế trọng điểm.
c) Văn phòng Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong từng vùng Kinh tế trọng điểm, giữa các vùng và với các Bộ, ngành và Ban Chỉ đạo nhằm xác định các vấn đề liên vùng cần xử lý, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, chồng chéo, không có tính hỗ trợ lẫn nhau. Các địa phương, Bộ, ngành, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới Văn phòng Ban Chỉ đạo phục vụ công tác chung.
d) Nghiên cứu quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của chức danh Chủ tịch Hội đồng vùng trong mô hình tổ chức điều phối và quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm.
đ) Đối với việc hình thành Quỹ phát triển vùng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét, nghiên cứu kỹ theo quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi cần thiết.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.