VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 463/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI, TUYẾN CÁT LINH - HÀ ĐÔNG
Ngày 28 tháng 12 năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì đoàn công tác kiểm tra thực địa và họp kiểm điểm tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Cục Đường sắt Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Sau khi kiểm tra thực địa, nghe báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, báo cáo của tổng thầu EPC, báo cáo của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các thành phố lớn. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội là công trình rất có ý nghĩa đối với Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ đầu tư Dự án và Ủy ban nhân dân các quận cần phối hợp chặt chẽ xử lý nhanh chóng các vướng mắc trong tổ chức thi công, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, tự nguyện hợp tác thực hiện Dự án vì lợi ích chung, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông tuy được triển khai sớm và đã thực hiện được nhiều khối lượng công việc nhưng đến nay Dự án chậm 1 năm so với tiến độ điều chỉnh. Để đạt được mục tiêu đến tháng 9 năm 2015 vận hành, chạy thử và đến tháng 12 năm 2015 khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận, Cục Đường sắt Việt Nam, tổng thầu EPC và các đơn vị thi công phải xác định rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực, khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Đối với công tác giải phóng mặt bằng:
a) Các vị trí và thời hạn phải hoàn thành giải phóng mặt bằng như sau:
- Các nhà ga Cát Linh, La Thành. Thời hạn hoàn thành trong tháng 3 năm 2014.
- Các nhà ga Thái Hà, Láng và chợ tạm Ngã Tư Sở. Thời hạn hoàn thành trong tháng 01 năm 2014.
- Đoạn qua khu dân cư phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Thời hạn hoàn thành trong tháng 01 năm 2014.
- Đoạn qua khu dân cư phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Thời hạn hoàn thành trong tháng 02 năm 2014.
- Các nhà ga Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông, Văn Khê, bến xe Yên Nghĩa. Thời hạn hoàn thành trong tháng 02 năm 2014.
- Đường nhánh ra, vào depot; nghĩa trang Văn Nội, quận Hà Đông. Thời hạn hoàn thành trong tháng 12 năm 2013.
- Hạ ngầm đường điện 110KV đoạn La Thành - Láng. Thời hạn hoàn thành trong tháng 01 năm 2014.
- Di chuyển đường ống nước D500 trên quốc lộ 6 tại địa bàn quận Hà Đông. Thời hạn hoàn thành trong tháng 02 năm 2014.
- Di chuyển, chặt hạ cây xanh và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phạm vi các nhà ga. Thời hạn hoàn thành trong tháng 12 năm 2013.
b) Để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với tiến độ nêu trên, các cơ quan, đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, giao ban thường xuyên hàng tuần với Ủy ban nhân dân quận Đống Đa để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền, vận động người dân chủ động lựa chọn phương án để di dời đúng tiến độ. Đồng thời, thực hiện chủ trương bố trí tạm cư và sớm thông tin cho dân về nhà tái định cư.
- Bộ Giao thông vận tải sớm có văn bản trả lời Ủy ban nhân dân quận Đống Đa về việc xử lý cầu thang nhà A11 chiếm dụng hành lang an toàn của tuyến đường sắt.
- Đồng ý về nguyên tắc bồi thường 100% đối với ki ốt của chợ tạm Ngã Tư Sở trên cơ sở xác định giá nguyên vật liệu, nhân công theo đúng quy định của Nhà nước.
- Ủy ban nhân dân quận Hà Đông cùng chủ đầu tư dự án tập trung vận động, hỗ trợ phù hợp cho dân để sớm hoàn thành việc di dời nghĩa trang Văn Nội.
- Chủ đầu tư Dự án làm việc ngay với Sở Xây dựng Hà Nội để làm rõ và xử lý dứt điểm các việc liên quan đến di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án.
2. Đối với công tác thiết kế:
Tổng thầu EPC đã cam kết bố trí chuyên gia tư vấn sang Việt Nam tiến hành điều chỉnh hồ sơ thiết kế. Trường hợp có khó khăn trong công tác thiết kế, chủ đầu tư phải yêu cầu tổng thầu EPC điều ngay kỹ sư sang Việt Nam trực tiếp làm việc cụ thể. Không để việc điều chỉnh thiết kế làm chậm tiến độ Dự án.
3. Đối với thiết bị:
Đồng ý về nguyên tắc Bộ Giao thông vận tải quyết định việc thuê chuyên gia tư vấn giúp một số lĩnh vực trong công tác kiểm định, nghiệm thu, tiêu chuẩn thiết bị, đoàn tàu và vận hành chạy thử Dự án. Bộ Giao thông vận tải lưu ý bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng thời đoàn tàu phải có hình thức đẹp, nội thất, ngoại thất hấp dẫn.
4. Đối với công tác thi công:
Chủ đầu tư tăng cường giám sát chặt chẽ, yêu cầu tổng thầu EPC đẩy nhanh công tác thi công và có giải pháp khắc phục các góp ý của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để bảo đảm chất lượng. Bố trí thời gian tổ chức thi công những hạng mục công trình cấp thiết cần hoàn thành sớm nhằm bảo đảm tiến độ Dự án, kể cả thời gian nghỉ Tết âm lịch.
5. Đối với việc thành lập Công ty đường sắt đô thị Hà Nội và công tác tuyển dụng, đào tạo nhân sự quản lý, vận hành:
Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn tất hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thành lập công ty theo đúng quy định. Cần xem xét thực hiện phương án sử dụng nhân lực của các công ty vận tải sẵn có. Lưu ý công ty chỉ thực hiện quản lý, vận hành và sửa chữa nhỏ. Việc đại tu, sửa chữa lớn về đường sắt đô thị thì phối hợp với các đơn vị có năng lực trong nước như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện.
6. Về giá hợp đồng EPC:
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét, quyết định đối với các đề nghị của chủ đầu tư về dự toán xây lắp, chi phí thiết bị, dự toán đào tạo liên quan đến giá hợp đồng EPC của Dự án.
7. Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn bổ sung cho Dự án:
a) Về điều chỉnh tổng mức đầu tư:
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại Dự án; quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh Dự án theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Trường hợp phải tăng tổng mức đầu tư, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan làm việc với phía Trung Quốc về việc bổ sung vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của Dự án.
b) Về bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng:
Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét bố trí bổ sung vốn cho công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong tháng 01 năm 2014.
8. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thể chế chính sách liên quan đến việc thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng EPC, chủ đầu tư và tổng thầu EPC chủ động làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.