VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NGÀY 16 THÁNG 12 NĂM 2009
Ngày 16 tháng 12 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, ý kiến phát biểu của các thành viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm kết luận như sau:
Trong năm 2009, công tác phối hợp liên ngành và ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những tiến bộ và thu được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian tới, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chú trọng chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các công việc sau:
1. Bộ Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh Dự án Luật an toàn thực phẩm trình Quốc hội và kỳ họp tới. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan quy định tại Bộ Luật hình sự, Luật Thanh tra.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.
- Đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm các bếp ăn ở các khu công nghiệp, tập thể, có tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, đồng thời tăng cường kiểm soát thức ăn đường phố, nhà hàng để giảm ngộ độc thực phẩm.
- Tiếp tục triển khai Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2008 quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006-2010 và xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015.
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Mở rộng mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các tỉnh, thành phố.
- Xây dựng các đề án cụ thể và các chương trình hành động cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định rõ quy mô và lộ trình thực hiện.
3. Bộ Công Thương:
- Thực hiện tốt mô hình chợ an toàn thực phẩm (nghiên cứu, tổ chức phương thức quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn), xây dựng tiêu chí xếp hạng để các địa phương có cơ sở thực hiện.
- Tăng cường công tác kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch; phối hợp với các ngành và địa phương tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở các khu vực chợ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, đưa ra các chỉ tiêu thi đua để phấn đấu.
- Chủ trì, làm việc với Bộ Tài chính về nhu cầu mua xe tự hành kiểm tra nhanh chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho lực lượng quản lý thị trường (số lượng, chủng loại, kinh phí...), trình Thủ tướng Chính phủ.
- Xem xét, xác định từng nhóm ngành xuất khẩu vào khu vực EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản, tiến tới thỏa thuận giải pháp để hai bên công nhận lẫn nhau về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam:
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chức năng (mỗi Bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể) trong việc tiếp nhận và cung cấp thông tin, xây dựng chính sách, pháp luật.
- Tăng cường công tác thông tin, đưa tin thường xuyên, kịp thời, chính xác tới cộng đồng.
5. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh:
- Hoàn chỉnh thủ tục, bổ sung Đề án "Triển khai áp dụng mô hình điểm về thức ăn đường phố tại tất cả các quận, thị xã của Hà Nội giai đoạn 2010-2015" và Đề án "Xây dựng mô hình và triển khai thực hiện phương thức quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh" vào Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, gửi Bộ Y tế để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tăng cường triển khai việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm an toàn; phối hợp với các cơ quan Tư pháp, Tòa án để xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thí điểm phương thức quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trên cơ sở đó hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện; có chế tài xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành ở 2 thành phố, quan tâm đặc biệt tới kiểm soát ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, các Bộ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.