VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2002 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 42/TB-VPCP NGÀY 14 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN CÔNG TẠN TẠI CUỘC HỌP BÀN VỀ CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH TIÊU THỤ LÚA, GẠO KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 11 tháng 3 năm 2002 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các Bộ: Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Vật giá Chính phủ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực Việt Nam và Văn phòng Chính phủ, để xem xét tình hình sản xuất và bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ lúa, gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu gạo năm 2002.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
1. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong năm 2002 một phần diện tích trồng lúa đã được một số tỉnh chỉ đạo chuyển dần sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và nuôi, trồng thuỷ sản. Việc chuyển đổi này bước đầu đang góp phần tạo cơ sở gia tăng thu nhập cho nông dân. Mặc dù diện tích sản xuất lúa có giảm so với năm 2001, nhưng vụ Đông Xuân 2001-2002 có khả năng đạt năng suất cao hơn vụ trước. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng hàng hoá cần tiêu thụ riêng vụ Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt trên 2 triệu tấn gạo. Trong những tháng đầu năm 2002, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng dần; giá lúa ở thị trường trong nước đang ở mức 1.550-1.600 đ/kg, bảo đảm được lợi ích của người sản xuất, tuy vậy lượng gạo xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trong quý I năm 2002.
Từ tình hình trên cho thấy, việc chủ động tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân và các vụ sản xuất tiếp theo trong năm đang vẫn là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan điều hành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, cũng như đối với các doanh nghiệp.
2. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện tốt các hợp đồng bán gạo theo thoả thuận Chính phủ đã được ký kết (khoảng 1,3 triệu tấn trong thời gian từ tháng 3 đến giữa quý III năm 2002), Bộ Thương mại, Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường, ký bổ sung các hợp đồng Chính phủ và hợp đồng thương mại để chuẩn bị cho việc tiêu thụ hàng hoá của vụ Hè Thu và vụ mùa, bảo đảm lượng gạo xuất khẩu trong cả năm 2002 ở mức khoảng 3,5 triệu tấn; cần lưu ý khả năng mua gạo của thị trường Trung Quốc và thị trường Châu Phi.
3. Để bảo đảm thực hiện tốt các hợp đồng ký theo thoả thuận của Chính phủ, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động phối hợp trong điều hành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, tránh để cho doanh nghiệp phải làm việc với nhiều cơ quan, gây chậm trễ và mất cơ hội trong buôn bán. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt nam chỉ đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho Tổng công ty Lương thực miền Nam vay vốn và không cần có tín dụng thư xác nhận đối với các hợp đồng bán gạo trả chậm cho Indonexia đã được ký theo thoả thuận Chính phủ, để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kịp thời các hợp đồng này.
4. Chính phủ bảo đảm các chính sách để hỗ trợ tiêu thụ hết lượng lúa, gạo hàng hoá sản xuất trong năm cũng như bảo đảm lợi ích của người nông dân. Trường hợp giá lúa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có dấu hiệu xuống dưới mức 1.300 đ/kg, Bộ Thương mại chủ động kiến nghị phương án mua tạm trữ phù hợp với yêu cầu và tình hình cụ thể.
5. Bộ Thương mại hướng dẫn Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực Việt Nam xây dựng cơ chế kiểm soát giá xuất khẩu gạo các loại, nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá gạo xuất khẩu Việt Nam; có các biện pháp chế tài hữu hiệu đối với các doanh nghiệp không chấp hành Nghị quyết của Hiệp hội.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thương mại và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hoá lớn, xây dựng cơ chế cho nông dân gửi thóc trong kho nhà nước hoặc tạm trữ tại nhà. Những hộ nông dân này nếu chưa trả được các khoản vay cũ; nhưng có nhu cầu thì được vay vốn để sản xuất, khắc phục tình trạng nông dân phải bán lúa, gạo vào thời điểm bất lợi; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4/2002 để tổ chức thực hiện thí điểm cơ chế này.
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng chính sách, cơ chế và hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản, trước hết là cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng việc ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo để triển khai đại trà trong năm 2002.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biết, thực hiện.
| Nguyễn Công Sự (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.