VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 418/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI SẢN XUẤT, TIÊU THỤ CÁ TRA VÀ TÔM
Ngày 14 tháng 12 năm 2012, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về giải quyết khó khăn đối với sản xuất và tiêu thụ cá tra và tôm. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:
Trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành, các địa phương liên quan đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08 tháng 8 năm 2012, do đó tình hình sản xuất cá tra đã có chuyển biến tích cực: diện tích và sản lượng nuôi cá tra tăng so cùng kỳ, giá thu mua cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như: xuất khẩu cá tra và giá trị xuất khẩu cá tra, nhất là tại các thị trường lớn đều giảm so cùng kỳ năm 2011 (giảm 10,8%); giá các loại thức ăn nuôi cá, tôm vẫn tăng; dịch bệnh trong tôm nuôi vẫn liên tiếp xảy ra (hơn 100.000 ha bị thiệt hại), giá thu mua tôm nguyên liệu thấp; hầu hết người nuôi (cả nông dân và doanh nghiệp) cá tra và tôm thiếu vốn... đã ảnh hưởng tới sản xuất thủy sản bền vững tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Trước mắt, các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện các chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng ý bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân nuôi và chế biến, xuất khẩu tôm được hưởng chính sách nêu tại điểm 1 công văn 1149/TTg-KTN nêu trên.
2. Về các giải pháp lâu dài:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với địa phương:
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát về điều kiện sản xuất và chất lượng con giống ngay từ các cơ sở sản xuất giống; rà soát lại các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng con giống, nhất là các loại giống nhập khẩu, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ giống nuôi nhập khẩu ngay tại các cửa khẩu và trong lưu thông, bảo đảm giống nuôi có chất lượng tốt, không bị bệnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý chặt chẽ quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đảm bảo ổn định diện tích nuôi, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, trên cơ sở đó nâng cao năng suất, chất lượng. Nghiên cứu về thị trường xuất khẩu, xu hướng tiêu thụ thủy sản, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch của ngành, của địa phương về phát triển nuôi trồng thủy sản, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phát triển nuôi thủy sản hoặc thông qua hợp đồng cam kết với người nuôi, trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận và rủi ro... để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu; đồng thời tăng cường công tác tự kiểm soát đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp đối với từng loại sản phẩm, nhất là thủy sản xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chỉ đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Hiệp hội, đảm bảo tăng cường vai trò điều phối các doanh nghiệp thành viên trong quá trình tham gia sản xuất và xuất khẩu, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo lợi ích quốc gia.
b) Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp tiếp tục đấu tranh với các nước nhập khẩu bỏ các rào cản kỹ thuật không phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta và quyền lợi của người tiêu dùng; tăng cường các biện pháp linh hoạt để xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu của sản phẩm Việt Nam tại các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.
c) Về việc thành lập Hiệp hội cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Ban vận động làm việc cụ thể với Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Về giá thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình, có biện pháp ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm giá sản phẩm ổn định, hợp lý cho người nuôi.
đ) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các địa phương liên quan kiểm tra, xác minh lại tình hình một số hộ, doanh nghiệp không vay được vốn, gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xử lý cụ thể.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.