VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 397/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2015 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG LÀ PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT, THUỐC THÚ Y, THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỨC ĂN THỦY SẢN VÀ CHẤT CẤM DÙNG TRONG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM, TRONG CHĂN NUÔI
Ngày 02 tháng 12 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, ý kiến của các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết luận như sau:
1. Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân, gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, thương hiệu quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là một số Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đã buông lỏng quản lý, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc cấp phép sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nặng về số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nên không kiểm soát được tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn chưa thường xuyên, kiên quyết, chưa công khai kịp thời các cơ sở, đơn vị, cá nhân sai phạm.
Các Bộ, ngành và địa phương tuy có triển khai những giải pháp và đạt được một số kết quả, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, các biện pháp chưa đủ mạnh và đồng bộ. Việc phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi là mệnh lệnh, yêu cầu cấp bách hiện nay, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung giải quyết.
2. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi, yêu cầu:
a) Các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; củng cố lực lượng, phương tiện, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm, phấn đấu tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước; khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về quản lý phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
- Kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận chất lượng phân bón hữu cơ, phân bón khác, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc cấp phép chứng nhận quản lý phân bón trong thời gian vừa qua.
- Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công khai kết quả xử lý.
- Tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận biết rõ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng. Công bố Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản,
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí trong việc kiểm tra, giám định, kiểm định, kinh phí lưu giữ và xử lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng, không được phép sử dụng bị thu giữ.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo về công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên toàn quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí I năm 2016.
c) Bộ Công Thương:
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón vô cơ, phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, đánh giá những việc làm được và chưa làm được, chỉ rõ những quy định còn bất cập, chồng chéo, để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Khẩn trương xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ để tăng cường quản lý chất lượng phân bón trong phạm vi cả nước.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Phân bón Việt Nam rà soát lại quy hoạch, tái cơ cấu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc, đảm bảo kiểm soát được tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón hiện nay. Xem xét, xử lý theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón không đủ điều kiện, không có giấy phép.
- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không đủ điều kiện, không có giấy phép; tiếp tục tổ chức để các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp sai phạm.
d) Bộ Công an:
- Chủ động phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, nhập lậu không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng; buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự.
- Phối hợp với các cơ quan tư pháp, khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được phát hiện gần đây, đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; đồng thời, sớm kết luận vụ việc sản xuất, kinh doanh phân bón của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thuận Phong.
e) Bộ Y tế:
- Chỉ đạo Cục Quản lý dược, các cơ quan liên quan của Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất Salbutamol đảm bảo đúng quy định pháp luật, đồng thời chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chức năng của Bộ Công an trong điều tra làm rõ nguồn gốc cung cấp Salbutamol trái phép để sử dụng trong chăn nuôi.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm mầu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2014.
g) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng trong việc giám định, kiểm định phân bón thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kiểm dịch chất lượng thực phẩm, nông, lâm sản; kinh phí lưu giữ và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng bị thu giữ.
- Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tăng cường quản lý nhập khẩu hàng hóa là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và chất cấm trong chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm.
h) Bộ Khoa học và Công nghệ:
Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương quản lý hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
i) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.
- Tổ chức thực hiện rà soát lại quy hoạch, tái cơ cấu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện.
k) Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả theo chuyên đề về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và việc sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi.
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là Kế hoạch số 218/KH-BĐC389 ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.