VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ THU XẾP VỐN CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN TRONG QUY HOẠCH ĐIỆN VI
Ngày 28 tháng 01 năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về thu xếp vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VI.
Tham gia cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; đại diện và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các Ngân hàng thương mại: Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau khi nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thực hiện Quy hoạch điện VI, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp được giao phát triển các dự án điện đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn vốn để phát triển các dự án nguồn và lưới điện; riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong mấy năm gần đây, mỗi năm huy động gần 40 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển điện.
Nhờ sự cố gắng của các doanh nghiệp ngành điện với sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, trong đó có các Ngân hàng trong nước, nên trong thời gian qua, công tác xây dựng phát triển điện đã có sự phát triển vượt bậc. Trong hai năm gần đây, mỗi năm đã đưa vào vận hành được gần 3000 MW công suất các loại nguồn điện, khắc phục được tình trạng thiếu điện của các năm trước đây. Trong điều kiện việc huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, các Ngân hàng đã có nhiều cố gắng trong việc đáp ứng vốn đã cam kết cho các dự án điện.
Tuy nhiên, việc giải ngân đối với nhiều dự án điện vẫn chưa kịp thời, có thời điểm nhiều Ngân hàng ngừng giải ngân, làm cho nhiều dự án thiếu vốn nghiêm trọng, gây khó khăn không ít cho chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động và ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án điện; vấn đề này cần được khắc phục ngay trong thời gian tới.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, CÁC NGÂN HÀNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
Mục tiêu trước mắt và cấp bách hiện nay của ngành điện là phải đưa các dự án nguồn điện đang xây dựng vào đúng tiến độ dự kiến, bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các Bộ, ngành và các Ngân hàng cần giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành điện tháo gỡ khó khăn về vốn, thực hiện tốt các nhiệm vụ:
1. Bộ Công Thương
- Khẩn trương hoàn thành đề án về giá bán điện năm 2010 để báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định;
- Xây dựng các văn bản pháp lý cho việc hình thành thị trường điện tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể để đáp ứng đủ vốn cho phát triển điện qua các giai đoạn phát triển của thị trường.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn Ngân sách năm 2010 để cấp phát, hoàn lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam số tiền đã ứng trước của dự án thuỷ điện Quảng Trị và các dự án thuộc chương trình cấp điện Tây Nguyên;
- Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vay ODA cho các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
3. Bộ Tài chính
Có các giải pháp hỗ trợ để các Ngân hàng tăng cường khả năng huy động vốn.
4. Bộ Tư pháp
Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các điều kiện pháp lý để sớm giải ngân vốn của các Hợp đồng vay vốn các dự án Nhiệt điện Hải Phòng 2 và Quảng Ninh 2.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Có các biện pháp hỗ trợ để các Ngân hàng thương mại huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu giải ngân cho các dự án điện;
- Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định cho phép các Ngân hàng thương mại được phép cho các dự án điện:
+ Vay vượt 15% vốn tự có của các Ngân hàng thương mại;
+ Vay vựot tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn theo quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-NHNN .
6. Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại
- Ngân hàng phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại, gồm: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam tiếp tục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng tối đa nhu cầu vốn theo cam kết để giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án, trước mắt ưu tiên vốn trong quý I năm 2010 của các dự án điện đã có hợp đồng vay vốn;
- Đối với các dự án vượt tổng mức đầu tư: cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư; cho phép các ngân hàng tiếp tục giải ngân, không phải thẩm định lại phương án vay, trả nợ của dự án;
- Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam phối hợp với các Ngân hàng thương mại khác thu xếp vốn để thanh toán cho khối lượng thực hiện của công tác chuẩn bị khởi công Dự án thuỷ điện Lai Châu trong năm 2010;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng thu xếp vốn cho các dự án thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát cần thực hiện giải ngân theo ý kiến chỉ đạo tại công văn số 281/VPCP-KTN ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ để đảm bảo tiến độ các Dự án phù hợp tiến độ tích nước vào tháng 5 năm 2010 của Dự án thuỷ điện Sơn La.
7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Đàm phán trực tiếp với nhà tài trợ vốn ODA để vay vốn đầu tư các dự án điện.
- Để tiếp tục thực hiện cổ phần hoá các dự án nguồn điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần sớm hoàn thành đề án nhóm các nhà máy điện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Nghiên cứu thành lập công ty cổ phần để đầu tư bán điện cho đảo Phú Quốc trên nguyên tắc bảo đảm kinh doanh như quy định tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.