VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐẠI HỌC HUẾ
Ngày 02 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và làm việc với Đại học Huế. Cùng dự buổi làm việc có: Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; đại diện Lãnh đạo Đại học Huế; các Thành viên Hội đồng Đại học Huế và đại diện Lãnh đạo các Trường Đại học thành viên.
Sau khi nghe Giám đốc Đại học Huế báo cáo về tình hình hoạt động và một số kiến nghị; phát biểu của các đại biểu tham dự buổi làm việc, phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
1. Đại học Huế với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt, trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung và cả nước; là một phần tinh hoa của văn hóa Huế, của vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng. Với bề dày lịch sử rất đáng tự hào, Đại học Huế đã cung cấp nhiều cán bộ trong lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực khoa học đa ngành, đa lĩnh vực khác, tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và miền Trung.
Ghi nhận những thành tích to lớn này, Đại học Huế đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Giải phóng Hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và đánh giá cao những thành tích mà Đại học Huế đã đạt được; biểu dương các thế hệ thầy giáo, cô giáo, học viên, sinh viên về những nỗ lực không ngừng trong quá trình xây dựng và phát triển của Đại học Huế trong suốt 60 năm qua.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại học Huế còn có một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chưa cao, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên còn mờ nhạt; định hướng đại học nghiên cứu chưa rõ nét, số bài báo quốc tế tăng lên hàng năm nhưng còn khiêm tốn; còn lúng túng trong đổi mới và tự chủ đại học, cơ chế hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp, bị động; cơ sở vật chất không đồng bộ, chưa xứng tầm, đặc biệt là tiến độ dự án xây dựng Khu đô thị đại học còn chậm trễ.
3. Để thực hiện sứ mệnh và đạt được mục tiêu: "Thúc đẩy sự phát triển đất nước và khu vực bằng việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả. Đến năm 2030 Đại học Huế trở thành một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, là một cơ sở đào tạo tiên phong, nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học vùng", Đại học Huế cần triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhanh chóng nắm bắt xu thế đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ để phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu về nhân lực mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra, cụ thể:
Một là, Đại học Huế không được tự hài lòng, chủ quan với những gì đã đạt được, mà phải luôn tích cực, chủ động nhiều hơn nữa, tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin; gắn đào tạo với nhu cầu xã hội với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống. Đại học Huế cần phải ý thức được vị trí, vai trò của một đại học mang tầm quốc gia, quốc tế của mình mà không chỉ dừng ở tầm địa phương hay vùng.
Hai là, phải quan tâm đồng thời cả tri thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu và các kỹ năng mềm cho sinh viên. Sinh viên là trung tâm của công tác đào tạo nên phải tổ chức nhiều hoạt động, gắn với thực tiễn để phát huy sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động. Sinh viên Đại học Huế phải là những người yêu nước, có trí tuệ, lý tưởng và hoài bão.
Ba là, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ cao. Giảng viên Đại học Huế không những là các nhà giáo, nhà khoa học giỏi mà còn là những người tư vấn, phản biện chính sách giỏi.
Bốn là, phải thực sự đào tạo theo nhu cầu xã hội, tăng cường kết nối với các nhà tuyển dụng để đào tạo gắn với việc làm; sinh viên tốt nghiệp ra trường không chỉ tự tìm việc mà có khả năng tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Đại học Huế và các trường thành viên của Đại học Huế phải tăng cường chủ động, tự chủ và đổi mới trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phải đào tạo hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, tri thức khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và nhà khoa học của Đại học Huế.
Sáu là, quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên của mình nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng Đại học Huế trở thành một đại học vững mạnh về mọi mặt.
4. Các kiến nghị của Đại học Huế:
a) Về tiếp tục đầu tư việc xây dựng Khu đô thị Đại học Huế giai đoạn II và III tại Trường Bia, thành phố Huế:
- Về kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 120 tỷ đồng), vốn đầu tư Dự án giai đoạn III (khoảng 128 tỷ chưa được bố trí): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí nguồn vốn phù hợp để triển khai thực hiện đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về nguồn vốn đầu tư phát triển: Đồng ý về chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ODA và các nguồn hợp pháp khác để phát triển Khu đô thị Đại học Huế tại Trường Bia, thành phố Huế. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế chủ động tìm nguồn vốn phù hợp để triển khai thực hiện, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) (lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Đại học Huế theo quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý tài sản công để tập trung thêm nguồn lực xây dựng hoàn thiện Khu đô thị Đại học Huế tại Trường Bia), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Về mở rộng cơ chế hoạt động của đại học vùng, giao quyền cho Đại học Huế để tăng tính chủ động trong điều hành quản lý các hoạt động thực hiện lộ trình tự chủ đại học: Đồng ý về nguyên tắc để các đại học vùng gồm Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng được áp dụng cơ chế tương tự như hai đại học quốc gia. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, giải quyết cụ thể; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Về việc cho phép Đại học Huế thực hiện việc tái cấu trúc để hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị thành viên và trực thuộc, phát huy thế mạnh của các ngành có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao như Y dược, Nông Lâm Ngư, Khoa học cơ bản và xã hội nhân văn, Sư phạm, Nghệ thuật, khoa học máy tính, Du lịch và Luật: Đồng ý chủ trương, giao Đại học Huế xây dựng Đề án phát triển, tái cấu trúc Đại học Huế báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án phải làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để phát triển, tái cấu trúc Đại học Huế thành đại học lớn mang tầm quốc tế, trong đó xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu toàn diện về phát triển đào tạo, khoa học công nghệ, xếp hạng quốc tế; hoàn thiện cơ cấu tổ chức các đơn vị thành viên, sắp xếp lại tổ chức, ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội.
d) Về phê duyệt đề án Phát triển Viện Công nghệ sinh học miền Trung: Đồng ý về mặt chủ trương. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cụ thể căn cứ vào Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
đ) Về hỗ trợ Đại học Huế đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, Campuchia và Myanmar theo các thỏa thuận giữa hai Chính phủ: Ghi nhận và biểu dương Đại học Huế trong việc tích cực xây dựng lộ trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, Campuchia, Myanmar. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Đại học Huế triển khai thực hiện căn cứ vào khả năng bố trí vốn của Nhà nước cho việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với nước bạn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Đại học Huế, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.