VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 349/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP VỀ QUẢN LÝ GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH THỊT GIA SÚC, GIA CẦM TẠI MỘT SỐ TỈNH TRỌNG ĐIỂM PHÍA BẮC
Ngày 7 tháng 10 năm 2012, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Y tế; đại diện Bộ Công an, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc và ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến như sau:
1. Quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu cấp bách cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, ở các tỉnh phía Bắc quy hoạch giết mổ triển khai chậm, nhiều tỉnh đang xây dựng chưa phê duyệt quy hoạch, có 5 tỉnh chưa xây dựng quy hoạch; một số địa phương có quy hoạch nhưng triển khai xây dựng cơ sở giết mổ gặp khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng; cơ sở giết mổ đã xây dựng có một số hoạt động cầm chừng hoặc phải ngừng hoạt động, hiệu quả thấp; tỷ lệ kiểm soát về thú y tại cơ sở giết mổ chỉ đạt gần 9%, trong khi đó tỷ lệ này ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đạt gần 90%, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế đạt gần 100%.
Tình trạng vi phạm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đã công khai tồn tại từ lâu nhung chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, sự phân công phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành trong việc xử lý giải quyết, tạo sự đồng hướng của người kinh doanh, người tiêu dùng, chính quyền còn nhiều bất cập.
Việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực với số lượng khá lớn để tiêu thụ tại chợ Hà Vĩ (Hà Nội) và các địa phương khác là nguy cơ làm lây lan bệnh cúm gia cầm, ảnh hưởng xấu đến giá cả thị trường, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa được ngăn chặn, gây bức xúc trong xã hội.
2. Để tạo bước chuyển biến cơ bản về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu các địa phương và các Bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo:
a) Thành phố Hà Nội đã thể hiện quyết tâm, đưa ra kế hoạch, mục tiêu có định lượng, giải pháp cụ thể về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đến năm 2015 để người dân yên tâm sử dụng sản phẩm thịt an toàn, phù hợp với yêu cầu kinh doanh của đô thị văn minh. Vì vậy, chính quyền thành phố phải chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành liên quan thực hiện kế hoạch đề ra, trước hết là phê duyệt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm trong tháng 10 năm 2012; phối hợp với các Bộ và địa phương liên quan có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát về thú y tại chợ Hà Vĩ và báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm vào cuối tháng 11 năm 2012; đồng thời phối hợp, ký cam kết với 11 tỉnh xung quanh và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Công an về việc phân công, hướng dẫn cụ thể lực lượng kiểm tra, giám sát quản lý vận chuyển thịt gia súc, gia cầm từ các địa phương vào địa bàn Hà Nội trước ngày 15 tháng 12 năm 2012.
Bên cạnh việc quy hoạch, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, kinh phí đầu tư xây dựng, xử lý chất thải đối với cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp; có lộ trình cụ thể để thu hẹp giết mổ thủ công, nhỏ lẻ, phân tán đến từng xã, phường trên cơ sở vận động chủ cơ sở giết mổ đưa vào khu giết mổ tập trung có kiểm soát và hỗ trợ họ chuyển nghề mới để bảo vệ và phát triển cơ sở giết mổ công nghiệp.
b) Hiện cả nước còn 21 tỉnh đang thực hiện xây dựng quy hoạch giết mổ, yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành phê duyệt trong tháng 12 năm 2012; đối với 5 tỉnh phía Bắc chưa quy hoạch phải khẩn trương xây dựng, hoàn thành phê duyệt vào cuối Quý I năm 2013. Các địa phương cần tham khảo chính sách, kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các địa phương khác, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện quy hoạch; phân công cán bộ thú y, cán bộ phường, xã để làm tốt chức năng giám sát, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt trên từng địa bàn.
Yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu từ năm 2013 phải báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các kỳ họp hàng năm về tình hình quy hoạch, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở địa phương.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, mở rộng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp để xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp.
- Tập hợp và có định hướng về công nghệ, quy trình giết mổ phù hợp, hiệu quả đối với từng loại quy mô để gửi các địa phương tham khảo, lựa chọn.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để lựa chọn công nghệ lò tiêu hủy gia cầm lưu động quy mô nhỏ, báo cáo tính khả thi với Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm vào tháng 12 năm 2012.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình thông tin nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.
d) Bộ Y tế: Ban hành Thông tư về danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm trong tháng 11 năm 2012.
đ) Bộ Công Thương:
- Sớm hoàn chỉnh Đề án ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Y tế và thành phố Hà Nội đề xuất, kiến nghị việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm vào Hà Nội.
- Phân công hợp lý các cơ quan, lực lượng kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong “mô hình chợ an toàn”
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định về quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127) với Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.
e) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, mở rộng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.