VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN PHÚC, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2013 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2014
Ngày 10 tháng 01 năm 2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có các thành viên Ủy ban Quốc gia; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; thành viên Tổ chuyên gia; đại diện các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế. Tại đầu cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Quốc gia, phát biểu tham luận của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Tổ chuyên gia; ý kiến phát biểu của đại diện các tổ chức quốc tế và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thống nhất với báo cáo của Ủy ban Quốc gia về đánh giá các mặt công tác năm 2013.
1. Về những kết quả nổi bật
Năm 2013 với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng và sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia, chúng ta đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trên cả ba lĩnh vực công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về đổi mới công tác cai nghiện, về rà soát thống kê người nghiện trên toàn quốc, về bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS, về công tác phòng chống mại dâm, chỉ đạo thực hiện nhiều Chương trình, Kế hoạch cụ thể trên các lĩnh vực.
Đã chỉ đạo xử lý nghiêm tại một số địa bàn để xảy ra tệ nạn xã hội gây bức xúc trong dư luận; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ; chỉ đạo nhân rộng được nhiều mô hình tốt, cách làm hay tại các địa phương; các hội nghị, hội thảo được tổ chức tiết kiệm và đạt hiệu quả tốt; Ban Chỉ đạo các cấp đã hoạt động tích cực và thường xuyên hơn.
Số người nhiễm mới HIV giảm so với cùng kỳ và là năm thứ 4 liên tiếp có số người nhiễm mới giảm; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%; Chương trình điều trị Methadone đạt kết quả tích cực; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là huy động nguồn lực xã hội được triển khai mạnh mẽ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu. Số vụ án, số đối tượng phạm tội về ma túy được bắt giữ nhiều hơn so với cùng kỳ; các địa bàn, điểm nóng về ma túy đã có chuyển biến tốt; nhiều tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm lớn bị triệt phá; từng bước tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy.
Các thành viên Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp đã tích cực thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác. Các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch...và nhiều địa phương đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Tổ Chuyên gia đã có nhiều ý kiến tư vấn, đóng góp thẳng thắn, tích cực giúp Chủ tịch Ủy ban Quốc gia.
Các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và các nhà tài trợ đã tích cực ủng hộ, đóng góp, giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng thể chế, tập huấn kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tuyên truyền vận động... trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
2. Một số hạn chế, tồn tại
Nhận thức về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa dành sự quan tâm thỏa đáng cho công tác này, trách nhiệm quản lý địa bàn, người đứng đầu chưa được đề cao.
Việc triển khai các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, chưa quyết liệt do vậy có lúc, có nơi tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu trong xã hội. Việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh Chương trình điều trị nghiện bằng Methadone, nghiên cứu, ứng dụng một số bài thuốc, loại thuốc còn hạn chế. Công tác phối hợp liên ngành, lồng ghép với các nhiệm vụ, chương trình khác chưa thật chặt chẽ, việc sử dụng nguồn lực sẵn có còn thiếu hiệu quả. Công tác củng cố kiện toàn và hoạt động ở một số Ban Chỉ đạo chưa được chú trọng; công tác rà soát, thống kê, báo cáo chưa kịp thời, chưa đầy đủ.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2014
Năm 2014 tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, từ đó phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, đồng thời nguồn tài trợ quốc tế tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này. Để tiếp tục kiềm chế và đẩy lùi dịch HIV/AIDS, tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, đóng góp thiết thực vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của đất nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, các Bộ, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, Ban Chỉ đạo các cấp và thành viên Ủy ban Quốc gia tiếp tục phát huy kết quả năm 2013, khắc phục hạn chế, tồn tại, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia; các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch, Đề án đã đề ra.
2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tăng cường công tác dự phòng, hướng mạnh về cộng đồng và dựa vào cộng đồng. Đồng thời với việc nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt cũng cần nêu những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm, sửa chữa, khắc phục.
3. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp để hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền một cách chủ động, thường xuyên, kịp thời, thiết thực; các địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của mình, nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn, người đứng đầu. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, lồng ghép với các nhiệm vụ, chương trình khác với công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định thông tin, báo cáo, rà soát, thống kê về người nghiện ma túy, số người bán dâm, số người nhiễm HIV/AIDS để xây dựng cơ sở dữ liệu và đánh giá đúng tình hình phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm, mô hình tốt, thực hiện các thỏa thuận, cam kết quốc tế, tích cực tìm thêm nguồn tài trợ quốc tế; thực hiện đầy đủ quy chế giám sát của xã hội nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí Nhà nước, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, chú trọng huy động các nguồn lực tại các địa phương; rà soát, cơ cấu lại việc sử dụng, quản lý các nguồn lực bảo đảm hiệu quả; lồng ghép các nội dung, kế hoạch phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm với các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác.
5. Liên tục tổ chức truy quét, phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm ma túy, tập trung phòng chống ma túy qua biên giới, ma túy tổng hợp, quản lý tiền chất và xóa bỏ tái trồng cây có chứa chất ma túy. Đổi mới công tác cai nghiện ma túy; mở rộng hơn nữa Chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, trong đó chú trọng sản xuất, cung ứng, quản lý thuốc Methadone; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc, loại thuốc của Việt Nam để hỗ trợ điều trị nghiện ma túy; tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và có kết luận, chỉ đạo cụ thể về công tác quản lý mại dâm trong tình hình mới.
Chủ đề công tác của năm 2014 là "phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS hướng về cộng đồng, dựa vào cộng đồng, với phương châm phòng ngừa là chính".
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện ngay chương trình, kế hoạch hành động cụ thể các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kinh tế xã hội năm 2014. Triển khai ngay Đề án đổi mới công tác cai nghiện, Đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, tổng rà soát người nghiện trên toàn quốc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống ma túy, tăng cường lực lượng phòng chống ma túy tại các cửa khẩu. Các địa phương phải triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh chương trình Methadone, điều trị ARV, tăng cường nguồn lực, trách nhiệm quản lý địa bàn, người đứng đầu. Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp cần tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, mại dâm.
2. Bộ Công an:
Chủ trì tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trong Chỉ thị và kết luận của Ban Bí thư.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình công tác phòng, chống ma túy năm 2014 với các mục tiêu cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015; chú ý bố trí sử dụng kinh phí hợp lý, không dàn trải, ưu tiên cho công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở, giải quyết các tụ điểm phức tạp.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ mua bán vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất qua biên giới; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý tiền chất, ma túy nhằm kịp thời đề xuất bổ sung các loại ma túy, tiền chất mới, nghiên cứu điều chỉnh mức quy định về lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ đủ để xử lý hình sự.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo triển khai mở rộng điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong các trại giam và trại tạm giam. Triển khai thí điểm điều trị Methadone theo quy định tại Nghị định 96/2012/NĐ-CP trong trại giam, trại tạm giam. Chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn có xu hướng phức tạp về tệ nạn ma túy; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho cán bộ thường trực phòng, chống ma túy của các địa phương.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đánh giá 15 năm Việt Nam tham gia 3 Công ước Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, tiền chất và các chất hướng thần; triển khai thực hiện các cam kết của Hội nghị cấp Bộ trưởng của ASEAN về phòng, chống ma túy, Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (MOU), Hội nghị cấp Bộ trưởng ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia, các biên bản thỏa thuận song phương.
Xây dựng và triển khai thực hiện các tiểu chương trình thuộc Chương trình hợp tác quốc gia về phòng, chống ma túy và tội phạm giữa Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đã được Thủ tướng phê duyệt.
Chủ trì tiếp tục thực hiện các hoạt động, giải pháp của Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011-5015 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay; khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới công tác phòng, chống mại dâm trong tình hình mới, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm tệ nạn mại dâm tại những địa bàn trọng điểm đã được xác định; làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, các ban, ngành liên quan trong việc quản lý địa bàn để phát sinh tệ nạn mại dâm. Thành lập, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ trì tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo định kỳ về phòng, chống mại dâm. Ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục hỗ trợ giúp đỡ, giáo dục người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê tổng thể về tình hình mại dâm để có các giải pháp, biện pháp thực hiện phù hợp.
Tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng; mở rộng mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy.
4. Bộ Y tế:
Chủ trì triển khai Đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS; mở rộng hợp tác quốc tế, phối hợp các Bộ liên quan tìm kiếm các nguồn vốn cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai mở rộng và duy trì điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Đẩy mạnh chương trình điều trị Methadone, triển khai mở rộng mô hình điều trị Methadone xã hội hóa; hướng dẫn các địa phương lập nhu cầu sử dụng thuốc Methadone và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thuốc Methadone để điều trị cho người nghiện ma túy.
Khẩn trương ban hành Hướng dẫn về tiêu chí xác định người nghiện ma túy tổng hợp, phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp; hướng dẫn tạm thời cho các cơ sở y tế có biện pháp tiếp nhận, quản lý, điều trị các đối tượng có dấu hiệu tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp. Nghiên cứu xây dựng và ban hành thông tư Hướng dẫn cung cấp thuốc điều trị ARV qua bảo hiểm y tế theo đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý tiền chất từ khâu nhập khẩu đến khâu phân phối, sử dụng; chú trọng quản lý, kiểm soát các loại tiền chất có nguy cơ cao; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý tiền chất cho cán bộ các ngành Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an và các doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu và sử dụng tiền chất.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 63/BPGVUBQG ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban Quốc gia.
Tổng hợp kế hoạch và cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy, HIV/AIDS; hỗ trợ đầu tư nâng cấp sửa chữa các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Huy động các nguồn vốn ODA cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho năm kế hoạch 2014; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực phòng, chống AIDS ma túy, mại dâm.
6. Bộ Tài chính:
Phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan ban hành: Thông tư liên tịch quy định khung giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bảo đảm kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS theo phân cấp ngân sách nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội; các ngành, địa phương tập trung biên soạn, phổ biến tài liệu về phòng chống ma túy, mại dâm với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, vùng sâu, vùng dân tộc ít người, tăng thời lượng phát sóng chương trình này. Chú trọng tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy tổng hợp, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao như: thanh thiếu niên, lái xe, người lao động phổ thông, công nhân.
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí lập chuyên mục phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; tăng cường thông tin về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và tội phạm liên quan đến ma túy, mại dâm.
8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý các dịch vụ kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội, dễ bị lợi dụng để sử dụng trái phép ma túy tổng hợp như vũ trường, nhà nghỉ, nơi vui chơi giải trí.
9. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ở địa phương, phải triển khai đồng bộ, kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm; có kiến nghị đề xuất kịp thời các vấn đề vượt thẩm quyền.
Phân cấp, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi dung túng, bao che, bảo kê...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, dịch vụ kinh doanh nhạy cảm; xử lý nghiêm các chủ cơ sở vi phạm, rút giấy phép, truy tố theo quy định.
Các tỉnh biên giới thực hiện có hiệu quả các chương trình, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về phòng, chống ma túy; tập trung vào việc hợp tác đấu tranh chống mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới và tuyên truyền phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới.
10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia, các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân phòng chống HTV/AIDS, ma túy, mại dâm.
11. Đề nghị các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác, tài trợ cho Việt Nam trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.