VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 335/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN
Ngày 23 tháng 11 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan, bàn về Đề án phát triển thương mại nông thôn do Bộ Công Thương chuẩn bị.
Sau khi nghe Bộ Công Thương trình bày nội dung Đề án, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các chuyên gia các cơ quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Đề án phát triển thương mại nông thôn được nghiên cứu và đề cập khá đầy đủ các nội dung, thể hiện được chủ trương phát triển thị trường nông thôn theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thời gian qua một số ngành, lĩnh vực phân phối trong nước đã triển khai kịp thời các công việc cần thiết để ứng phó và thực hiện lộ trình mở cửa thị trường phân phối hàng hóa theo cam kết trong WTO, tuy nhiên, khu vực thương mại nông thôn triển khai các vấn đề này còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, do vậy việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển thương mại nông thôn trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và cần làm sớm.
2. Phần tổng kết thực trạng thương mại nông thôn trong Đề án cần được đánh giá, bổ sung trên cơ sở cập nhật, phân tích và đánh giá các dữ liệu đến năm 2009 và thực tiễn hoạt động của các mô hình thương mại nông thôn trong giai đoạn vừa qua.
3. Về mục tiêu tổng quát của Đề án, cần nhấn mạnh nội dung phát triển thương mại nông thôn không tách rời phát triển thị trường trong nước, đồng thời phù hợp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; đối với các mục tiêu cụ thể, Bộ Công Thương cần tham khảo các Đề án nông thôn mới có liên quan tại Nghị quyết Chính phủ số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bố cục lại các mục tiêu cụ thể cho sát và phù hợp hơn.
Về mô hình tổ chức thương mại nông thôn đề cập trong Đề án là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên cần phân tích, để có bổ sung cần thiết về cơ cấu và sự chuyển dịch của các mô hình này đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Cần nghiên cứu đề xuất các nội dung và phương thức gắn kết các mô hình thương mại nông thôn với hệ thống kinh doanh, phân phối theo ngành hàng để vừa bảo đảm tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời phải gắn được tổ chức và hoạt động của mô hình này với quy hoạch thương nhân trên địa bàn để có cơ chế kiểm soát thích hợp đối với hoạt động kinh doanh của các chủ thể theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm được quyền và lợi ích của nông dân về hàng hóa, dịch vụ được mua bán, trao đổi, cung ứng.
Đối với mô hình mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng, cần nghiên cứu, xác định các mô hình hoạt động cụ thể đối với những mặt hàng chủ yếu ở các khu vực sản xuất tập trung, trọng yếu, trước hết là ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và khu vực Tây Nguyên để có lộ trình triển khai phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.
4. Về các giải pháp thực hiện Đề án: Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách, cơ chế đưa ra trong Đề án phát triển thương mại nông thôn (về đất đai, đầu tư, tài chính – tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực …) cho phù hợp với các chính sách, cơ chế trong các Đề án của Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ và các chính sách, cơ chế liên quan vừa được ban hành trong năm 2009.
5. Về phân công, tổ chức thực hiện Đề án: Bộ Công Thương rà soát lại cho phù hợp các quy định về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp; trong đó cần chú trọng công tác quy hoạch của địa phương gắn với quy hoạch và quản lý ngành; công tác bố trí vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Đề án.
Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh bổ sung các nội dung nêu trên và hoàn chỉnh Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12 năm 2009.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.