VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 323/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
Ngày 03 tháng 11 năm 2009, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình và kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo 127 Trung ương báo cáo về tình hình và kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ý kiến của các đại biểu dự họp; Phó Thủ tướng kết luận như sau:
1. Các Bộ, các địa phương đã chủ động và tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, ngừa, chống, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả, nhờ đó công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được kết quả tích cực hơn. Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong việc điều tra bắt giữ hành vi buôn lậu nên đã phát hiện bắt giữ, xử lý được nhiều vụ vi phạm, đồng thời đề nghị cơ quan đưa ra truy tố những hành vi vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc ngăn chặn hàng kém chất lượng. Trong thời gian tới, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải được tăng cường hơn nữa, phải xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
2. Tình trạng lợi dụng chính sách thương mại biên giới để buôn lậu, đưa hàng kém chất lượng vào nước ta còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu còn yếu kém, không đồng bộ. Thủ tục hành chính tại các cửa khẩu chưa được nhất thể hóa, thiếu thống nhất vẫn là điểm yếu chưa có biện pháp khắc phục có hiệu quả. Cho đến nay hoạt động hành chính, nghiệp vụ tại các cửa khẩu đều do các cơ quan chủ quản chỉ đạo và quản lý riêng theo lĩnh vực nên nhiều khi chồng chéo, trung lặp. Những việc phát sinh nhất là quản lý hành chính thì vẫn chưa có người được chính thức giao trách nhiệm chính để chỉ đạo các hoạt động chung của cửa khẩu.
Lực lượng trực tiếp làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn mỏng, trang thiết bị và phương tiện làm việc còn yếu kém.
Việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực phục vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đạt được nhiều kết quả.
3. Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, các cơ quan cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
a) Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất việc xác lập và bổ sung chức danh hành chính tại các cửa khẩu theo hướng là người được giao quyền hạn và chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động chung tại cửa khẩu; quy định thủ tục hành chính áp dụng áp dụng thống nhất tại các cửa khẩu.
b) Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành về nhu cầu biên chế, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác chống buôn lậu, giân lận thương mại và hàng giả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các địa phương có cửa khẩu nghiên cứu đề xuất cơ chế đầu tư, xây dựng kho hàng hóa tại các cửa khẩu để phục vụ cho việc lưu giữ, trung chuyển, sơ chế hàng.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành xây dựng Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giai đoạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó cần tập trung nghiên cứu đề ra các giải pháp để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm về sở hữu trí tuệ.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định chống hàng giả; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thay thế Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1995; Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4845/VPCP-KTTH ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 Trung ương nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các lực lượng chức năng hiện nay phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước gắn với việc quản lý và thúc đẩy buôn bán, trao đổi hàng hóa tại các vùng biên giới.
d) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán theo hướng tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán hàng không lập hóa đơn.
- Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an khẩn trương ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BTC-BCA-BCT quy định về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông thị trường.
đ) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử phạt kinh doanh dược phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm đủ sức răn đe.
e) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
g) Bộ Công an:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chế tài quy định đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh buôn bán hàng giả để nâng cao tính răn đe đối với loại tội phạm trên.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Ngoại giao rà soát việc đăng ký, quản lý xe mang biển ngoại giao, biển nước ngoài, biển liên doanh và biển đăng ký tại các khu kinh tế cửa khẩu lợi dụng các chính sách để trốn thuế nhập khẩu đưa xe và sử dụng.
Các Bộ, cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện các công việc nói trên và nếu có vướng mắc, vượt quá thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.