VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 311/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
Ngày 24 tháng 7 năm 2014, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dự Hội nghị trực tuyến về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cùng dự có các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Hội nghị như sau:
1. Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày, đây là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của giống nòi; tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch cũng là một trong những tiêu chí phản ánh sự phát triển về mặt xã hội trong mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
2. Việc kiểm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá lại những việc đã làm được, những hạn chế, yếu kém, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020.
- Trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn các giai đoạn 2006-2010, 2011-2015 và đang chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020. Ban Chủ nhiệm Chương trình, các Bộ, ngành đã phối hợp chỉ đạo, ban hành được nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện Chương trình, xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá gồm 14 chỉ số làm cơ sở đánh giá việc thực hiện Chương trình, các địa phương đã đầu tư trên 15.000 công trình cấp nước tập trung góp phần bảo đảm được 84% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 42% số hộ được sử dụng nước sạch; đến năm 2015 sẽ đạt được 85% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% được sử dụng nước sạch như mục tiêu đặt ra của Chương trình.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, mới đạt được những chỉ tiêu trên theo Chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cần đạt vào năm 2010; mặt khác, tại các khu vực miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ đạt được còn thấp, đặc biệt là các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường. Việc huy động vốn để thực hiện Chương trình còn khó khăn, mới chỉ đạt khoảng 75,6% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương, vốn do người dân đóng góp, vốn ngân sách địa phương, vốn của các nhà tài trợ đều thấp hơn nhiều so với kế hoạch (riêng vốn tín dụng vượt mức kế hoạch). Công trình kém hiệu quả, không bền vững còn chiếm tỷ lệ khá cao (gần 30% số công trình đã đầu tư), nhất là các công trình có quy mô nhỏ ở khu vực miền núi, vùng khó khăn. Công tác xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn còn chậm. Có nhiều mô hình quản lý, nhưng chưa xác định được mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả, bền vững.
Như vậy, để đạt được mục tiêu đến 2020 đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia cần sự cố gắng, nỗ lực rất lớn và có giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá.
3. Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
- Trước hết, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân và cả các cấp lãnh đạo, cán bộ, Đảng viên. Vấn đề sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có liên quan đến nhận thức của người dân, trong đó một số khu vực phải tuyên truyền để người dân thay đổi về phong tục, tập quán.
- Tập trung vào công tác quy hoạch: Ban Chủ nhiệm Chương trình chỉ đạo rà soát lại quy hoạch của các địa phương, yêu cầu tất cả các địa phương phải xây dựng quy hoạch cấp nước. Quy hoạch cấp nước phải phù hợp với quy mô dân cư, phân bố dân cư và nguồn nước, xác định rõ số lượng, vị trí trạm cấp nước, xử lý nước, trong đó cần lưu ý giảm dần việc sử dụng nguồn nước ngầm. Trên cơ sở quy hoạch, triển khai lập các dự án và kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư từ xã hội.
- Khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, các hướng dẫn thực hiện Chương trình; trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình. Tập trung chỉ đạo đối với địa phương khó khăn, nhất là các vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi cao (Ban Chủ nhiệm Chương trình cần tập trung chỉ đạo 20 địa phương khó khăn nhất thông qua hình thức giao ban trực tiếp, kiểm tra, có cơ chế phù hợp, tổ chức học hỏi kinh nghiệm của các địa phương đã làm tốt).
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng một Chương trình điểm về thực hiện dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo mô hình đối tác công - tư (PPP) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký triển khai theo quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa. Phối hợp với các Bộ, địa phương xây dựng cơ chế tài chính đối với dự án đầu tư theo mô hình PPP (ban đầu Nhà nước cần hỗ trợ, giảm dần hỗ trợ khi nhu cầu sử dụng nước và giá nước tăng dần theo thu nhập) nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội để tập trung ngân sách nhà nước đầu tư tại các vùng khó khăn, tránh dàn trải; thực hiện việc lồng ghép với các Chương trình, dự án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để đạt được các mục tiêu của Chương trình.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục cân đối, bố trí tăng vốn trong kế hoạch năm 2015 để thực hiện đạt được các mục tiêu của Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với vấn đề khó khăn về nguồn vốn; tiếp tục vận động các nhà tài trợ quốc tế để thu hút nguồn vốn thực hiện Chương trình và nghiên cứu, triển khai các mô hình bền vững, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.