BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3095/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP HỨA ĐỨC NHỊ TẠI CUỘC HỌP VỚI UBND TỈNH HÀ GIANG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
Ngày 01/06/2011, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hứa Đức Nhị đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về công tác bảo vệ và phát triển rừng và một số vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn khác tại địa phương. Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ: Tổng cục Lâm nghiệp (Ông. Nguyễn Bá Ngãi - PTCT, các Vụ: Phát triển rừng, Kế hoạch Tài chính, Sử dụng rừng), Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Ban đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp.
Về phía tỉnh Hà Giang có Ông: Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Ông/Bà Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng ban quản lý dự án 661 tỉnh.
Sau khi nghe Lãnh đạo tỉnh Hà Giang trình bày các nội dung liên quan đến công tác phát triển rừng và một số vấn đề khác trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của địa phương, ý kiến tham gia đóng góp của đại diện các Cục, Vụ, Tổng cục Lâm nghiệp, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Hứa Đức Nhị đã có một số ý kiến như sau:
Trong thời gian vừa qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã rất quan tâm chỉ đạo các lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Với cố gắng, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự tham gia của các ngành, các cấp công tác bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả rất tốt. Hà Giang là một trong không nhiều những địa phương trong những năm gần đây có diện tích trồng rừng đạt trên 10 nghìn ha/năm, độ che phủ rừng của tỉnh không ngừng được tăng lên. Trong thời gian tới đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng rừng, cải thiện giống cây trồng, triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để rừng có thể góp phần tích cực và có hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Về những nội dung đề xuất, kiến nghị cụ thể của địa phương:
1. Về việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển rừng năm 2011:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với chủ trương và chỉ đạo của tỉnh trong việc triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2011 như kế hoạch đã giao. Do ngân sách Trung ương giao năm 2011 cho tỉnh chưa đáp ứng (40 tỷ đồng/nhu cầu 139 tỷ đồng), đề nghị tỉnh tập trung ưu tiên ngân sách cho những hạng mục đầu tư cấp thiết như: cây con giống phục vụ trồng rừng mới, chăm sóc rừng đã trồng, diện tích rừng đang khoanh nuôi tái sinh và khoán bảo vệ chuyển tiếp từ 2010 cũng như kinh phí hoạt động của các Ban quản lý dự án (về lâm nghiệp) tại địa phương.
Khi xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận kiến nghị của tỉnh, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tính toán bổ sung phần vốn còn thiếu về bảo vệ và phát triển rừng năm 2011 của tỉnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
2. Về Đề án chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc giai đoạn 2011-2015.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 1408/BNN-TCLN ngày 24/5/2011 về kiến nghị liên quan đến Đề án chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang gửi Văn phòng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ đề xuất của tỉnh về bổ sung hạng mục chuyển đổi chất đốt vào Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2015, đề nghị tỉnh rà soát, bổ sung hoàn chỉnh đề án theo ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan và lập tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3. Về việc rà soát, điều chỉnh, thu hồi một phần quỹ đất của 3 Công ty lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty giấy Việt Nam đóng trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội:
Các công ty lâm nghiệp Cầu Ham, Vĩnh Hảo, Ngòi Sảo đóng trên địa bàn tỉnh, hiện trực thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam (đơn vị do Bộ Công Thương quản lý). Việc điều chỉnh, thu hồi một phần quỹ đất của 3 công ty, đề nghị tỉnh làm việc cụ thể với Tổng công ty giấy Việt Nam và Bộ Công thương.
4. Về đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Chính phủ đưa Hà Giang vào quy hoạch tổng thể phát triển cây Cao su của cả nước:
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng làm việc cụ thể với Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp để rà soát, đánh giá diện tích đưa vào quy hoạch trồng cây cao su tại địa phương theo Thông báo giao nhiệm vụ của Bộ về vấn đề này. Đề nghị tỉnh thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 595-CV/VPTW ngày 19/4/2011 của Văn phòng Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2188/VPCP-KTN ngày 04/5/2011 của Văn phòng Chính phủ về trồng Cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
5. Về hỗ trợ các đề tài, dự án khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế:
Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm việc và đề xuất các đề tài và những vấn đề cụ thể với các Tổng cục, các Cục, Vụ thuộc Bộ để có kế hoạch nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Trước mắt đề nghị tỉnh làm việc cụ thể với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất, đăng ký triển khai ngay đề tài/dự án nghiên cứu phát triển giống cây lâm nghiệp để phục vụ trồng rừng, đặc biệt tại 04 huyện vùng cao núi đá phía bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc).
Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, phối hợp chỉ đạo và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.