VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 307/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2011, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2012 VÀ KẾ HOẠCH 05 NĂM 2011-2015
Ngày 07 tháng 12 năm 2011, tại Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ Công Thương về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011, mục tiêu nhiệm vụ năm 2012 và kế hoạch 05 năm 2011-2015 của ngành công thương. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo và đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Dệt may Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Nhìn tổng thể, ngành Công Thương đã có nhiều cố gắng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch năm 2011. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những hạn chế của nội tại nền kinh tế trong nước, nhưng đánh giá chung, ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực. Về công nghiệp, đã bước đầu thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu: khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm dần trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh có xu hướng tăng; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm trong khi tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng và đạt mức cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các ngành sản xuất công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khá. Công nghiệp năng lượng có sự phát triển nhanh chóng với nhiều dự án nguồn và lưới điện được khởi công xây dựng và đưa vào khai thác, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội; tỷ lệ cấp điện ở khu vực nông thôn đạt hơn 95,86% và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra. Ngành thăm dò, khai thác dầu khí đã có những bước đi đúng hướng, phù hợp với Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật rất đáng khích lệ, trong đó đã phát triển được nhiều mỏ dầu khí mới ở cả trong và ngoài nước, góp phần bổ sung nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu cho sản xuất trong nước; công nghiệp lọc hóa dầu đã hình thành. Công nghiệp cơ khí đã được quan tâm đầu tư phát triển và đã sản xuất được nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản cũng có những tăng trưởng rõ rệt, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và đã có những chuyển dịch đúng hướng theo mục tiêu đã đề ra. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 và tốc độ tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2006-2010 đạt mức cao hơn chỉ tiêu kế hoạch. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, cơ khí chế tạo, điện tử và giảm tỷ trọng các mặt hàng khoáng sản, nhóm hàng chế biến thô. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng đã từng bước có sự dịch chuyển từ khu vực châu Á sang khu vực châu Âu và Hoa Kỳ...
Hoạt động nhập khẩu đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh và hàng hóa sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân; đặc biệt trong mấy năm gần đây đã thực hiện tương đối tốt việc kiểm soát, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng hóa trong nước đã sản xuất được, hàng hóa chưa thực sự cần thiết. Do tăng trưởng xuất khẩu mạnh và kết quả kiểm soát nhập khẩu, nhập siêu giảm dần (từ 28,8% kim ngạch xuất khẩu và 18 tỷ USD năm 2008 xuống còn 10,4% và 10 tỷ USD năm 2011).
Trên lĩnh vực thương mại và dịch vụ: Đã quan tâm phát triển thị trường trong nước; sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống. Nhiều loại hình thương mại văn minh, hiện đại được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, gắn kết chặt chẽ hơn giữa khâu sản xuất với lưu thông phân phối; các phong trào vận động thực hiện văn hóa tiêu dùng, sử dụng hàng trong nước sản xuất... đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Về hội nhập kinh tế quốc tế: sau khi gia nhập WTO, chúng ta đã tiếp tục nỗ lực đàm phán, ký kết được nhiều hiệp định mậu dịch tự do (FTA), hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước. Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, ngày càng có tiếng nói quan trọng với ý thức trách nhiệm cao trong các diễn đàn khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM..., do đó đã góp phần mở rộng thị trường và tạo ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành tập trung đầu tư nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược, qua đó tạo khung pháp lý thuận lợi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước các lĩnh vực của ngành. Cải cách hành chính mà trước hết là cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đã được tích cực thực hiện, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Công tác đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Hoạt động khoa học kỹ thuật được chú trọng, góp phần đưa công nghệ và khoa học quản lý mới, hiện đại vào thực tiễn. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động của ngành còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới. Tốc độ tăng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp vẫn còn ở mức thấp; tăng trưởng công nghiệp có dấu hiệu giảm; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; công nghiệp chế biến phát triển còn chậm. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa tận dụng hết các cơ hội mở cửa thị trường khi tham gia vào WTO và các hiệp định thương mại FTA; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả vẫn còn phổ biến. Xuất khẩu tăng trưởng chưa ổn định, nhập siêu còn cao. Thị trường nội địa chưa được quan tâm đúng mức...
Trong giai đoạn tới đây, ngành Công Thương sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhu cầu đầu tư tăng trong khi nguồn vốn cả trong và ngoài nước hạn chế; chi phí đầu vào cho sản xuất biến động bất lợi cho doanh nghiệp; sự canh tranh trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng gay gắt. Xu thế bảo hộ thị trường của các nước ngày càng tăng; sức mua của các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta như khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản tăng không cao, thậm chí có thể suy giảm. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, việc thực hiện các đề án tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là vấn đề cân bằng năng lượng cũng sẽ là thách thức lớn đối với ngành công thương không những trong kế hoạch năm 2012, kế hoạch 5 năm 2011-2015 mà còn cả trong dài hạn. Điều đó đòi hỏi ngành phải nỗ lực cố gắng hơn nữa để vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
2. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, để vượt qua được những khó khăn, thách thức và đạt được mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong giai đoạn tới, ngành Công Thương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược: Cần tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước các lĩnh vực của ngành; tăng cường đầu tư nghiên cứu xây dựng và thực hiện các đề án trong chương trình công tác.
b) Về quản lý các doanh nghiệp nhà nước: Bộ Công Thương cần tiếp tục làm tốt công tác đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường nhân lực, năng lực quản lý để thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
c) Về phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp:
- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản: Đây là ngành công nghiệp có tiềm năng lớn, vì vậy Bộ cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp.
- Công nghiệp khoáng sản: Trong thời gian tới, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; chỉ cho phép thực hiện những dự án khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường.
- Công nghiệp cơ khí: Bộ Công Thương đã ban hành danh mục các sản phẩm thiết bị chế tạo trong nước. Để khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp cơ khí chế tạo, Bộ cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, yêu cầu các tập đoàn, các tổng công ty thực hiện cơ chế chủ động tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về giao cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các gói thầu chế tạo máy móc, thiết bị mà trong nước có thể sản xuất.
- Công nghiệp dệt may, da giày: Thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả cao và đã có chiến lược phát triển phù hợp theo hướng liên kết dọc, phát triển các thương hiệu, hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, ngành công nghiệp dệt may, da giày cần chú trọng hơn trong chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành và phát triển hệ thống phân phối; chú trọng đầu tư nhiều hơn vào khâu hạ nguồn.
d) Về xuất nhập khẩu: cần tập trung tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có hiệu quả, tiếp tục đàm phán ký kết các hiệp định FTA để tạo điều kiện mở rộng thị trường và khai thác tối đa cơ hội thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ Công Thương cần tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành các quy định kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế nhập khẩu.
đ) Về phát triển thị trường trong nước: Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển hệ thống phân phối. Tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế quản lý thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá và có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm nhằm đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
e) Về triển khai các dự án điện hạt nhân: Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, địa phương liên quan tập trung nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo các điều kiện cho khởi công các dự án điện hạt nhân.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.