VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 303/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN PHÚC, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 138/CP TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 01 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ “TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI”
Ngày 05 tháng 12 năm 2011, tại Hội trường Bộ Công an (số 44 Yết Kiêu, Hà Nội) đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ với Ban Chỉ đạo 138 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Tham dự Hội nghị tại Hà Nội có các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan ở Trung ương.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an báo cáo sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ 01 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW
- Sau 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, công tác phòng, chống tội phạm đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng, cụ thể là: Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nghiêm túc Chỉ thị; Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; cán bộ, đảng viên và đại bộ phận nhân dân đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong phòng, chống tội phạm. Các cấp, các ngành, đoàn thể đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, đã xây dựng được những mô hình, câu lạc bộ về phòng, chống tội phạm. Hoạt động của các mô hình về phòng, chống tội phạm bước đầu có hiệu quả, đi từ chiều rộng đến chiều sâu, thu hút được ngày càng nhiều người tham gia; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã đóng góp tích cực vào phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm kết hợp với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các cơ quan điều tra, kiểm sát và xét xử các cấp đã phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; lực lượng Công an với vai trò là nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đánh trúng nhiều băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức. Các cơ quan truyền thông đại chúng đã quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Chỉ thị số 48-CT/TW đã đi vào cuộc sống, khơi dậy khí thế cách mạng của cả hệ thống chính trị và quần chúng trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Hạn chế và nguyên nhân:
Mặc dù chúng ta đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm vẫn lộng hành đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, đặc biệt là cướp tài sản, giết người, tội phạm có tổ chức, sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, môi trường, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ …
Việc triển khai Chỉ thị số 48-CT/TW ở một số đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa quán triệt sâu sắc đến cơ sở và từng đảng viên, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do ở một số Bộ, Ban, ngành, đơn vị, địa phương người đứng đầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm; sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thường xuyên, quyết liệt; chưa phát huy hết vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên trong phòng, chống tội phạm; một số nơi quần chúng còn thờ ơ với tình hình tội phạm, còn né tránh không dám phát hiện, đấu tranh. Hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn thấp, tạo sơ hở để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động phạm tội. Công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm chưa thật sự quan tâm đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đặc biệt là những người không tham gia sinh hoạt trong một tổ chức, đoàn thể nào, người lao động ở các khu công nghiệp. Việc dự báo về tình hình tội phạm còn chậm nên công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả còn thấp, bị động; tỷ lệ điều tra khám phá, xử lý một số loại tội phạm chưa cao; việc trừng phạt trong nhiều trường hợp chưa đủ sức răn đe đối tượng phạm tội …
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục hội nhập sâu, rộng với thế giới, những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường sẽ làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW trong thời gian tới, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự trong mọi tình huống, từng bước kiềm chế và làm giảm tội phạm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cần chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Phải xác định trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở, trong đó phải xác định rõ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, quản lý, lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia, tạo thành phong trào phòng, chống tội phạm rộng khắp trong cả nước. Việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở cấp xã, phường, địa bàn cơ sở là trọng tâm để tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không còn chỗ cho tội phạm dung thân. Đồng thời, phải xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Địa phương nào để tội phạm gia tăng, lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân thì đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Thủ trưởng Công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tuyệt đối không để diễn ra tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay cho tội phạm.
2. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, vì đây là bộ phận nhạy cảm, dễ vi phạm pháp luật.
Trong năm 2012, đặc biệt là trước và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn phải tập trung áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm khắc các loại tội phạm, từng bước kiềm kế và làm giảm tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng …. Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, kết hợp với chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ trái phép, tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 an toàn theo Chỉ thị số 3051/CT-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cần xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm trong thi hành công vụ, đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.
3. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, trong đó có Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Luật Chứng từ và bảo vệ người làm chứng, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung …. Điều quan trọng là phải triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, pháp lệnh và các văn bản pháp luật khác đã ban hành liên quan đến phòng, chống tội phạm.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là hợp tác với các nước láng giềng và hợp tác trong khuôn khổ tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, tham gia các diễn đàn song phương, đa phương khác. Tranh thủ các nguồn tài trợ để nâng cao năng lực cho các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm.
5. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (Ban Chỉ đạo 130/CP) theo hướng sáp nhập Ban Chỉ đạo 130/CP với Ban Chỉ đạo 138/CP, đảm bảo cho hoạt động của Ban Chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, giảm đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo 138/CP đặt tại Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP. Bộ Công an nghiên cứu, quyết định củng cố bộ phận này theo thẩm quyền cho phù hợp với nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo.
6. Bộ Công an và các cơ quan thông tấn báo chí cần chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Chương trình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 đã ký kết, trong đó tập trung phản ánh được gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, đồng thời lên án mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật; góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về chống tội phạm trong toàn xã hội.
7. Ban Chỉ đạo 138 các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận tại Hội nghị này, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo về Ban Chỉ đạo 138/CP để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.