VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 302/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ NAM
Ngày 10 tháng 8 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã thăm, khảo sát thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, gắn với giảm nghèo bền vững và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Tham gia đoàn công tác với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh, sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2015, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, cụ thể là:
1. Về kinh tế - xã hội: Năm 2014, tình hình kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế đạt 13,15%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 35,7 triệu đồng, tăng 19,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 780 triệu USD, tăng gần 34% so với năm 2013; giải quyết việc làm mới cho 15.500 lao động, trong đó xuất khẩu trên 1.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,68% năm 2011 xuống còn 3,92%.
Sáu tháng đầu năm 2015: Tăng trưởng kinh tế đạt 14,7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22,8%; thu ngân sách nội địa tăng 55% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42,3 triệu đồng; công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, hiện đứng trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2. Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững:
- Hà Nam là địa phương triển khai rất tích cực, cách làm sáng tạo, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; năm 2011 Tỉnh đã sớm hoàn thành Đề án quy hoạch các xã nông thôn mới; giai đoạn 2011 - 2015, huy động vốn đầu tư cho Chương trình đạt gần 5.912 tỷ đồng; đến hết tháng 6 năm 2015, đã hoàn thành 1.803 km đường giao thông thôn xóm, trên 814 km nền đường trục chính nội đồng, xây dựng 294 nhà văn hóa thôn…; thực hiện 4.552 mô hình nuôi lợn ứng dụng khoa học kỹ thuật, bằng công nghệ đệm lót sinh học; 100% xã đạt chuẩn về nhà ở, 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh... Năm 2014, có 18 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới.
- Công tác giảm nghèo luôn được Tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, dành nhiều nguồn lực và thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp; theo đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã có trên 40.000 hộ nghèo được vay 596 tỷ đồng để sản xuất, dạy nghề miễn phí cho 765 lao động, gần 38.600 lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp với tổng kinh phí trên 18,3 tỷ đồng, cấp gần 189.000 thẻ Bảo hiểm y tế...; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 2%/năm trong 05 năm qua, Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%.
Tuy nhiên, Hà Nam cũng còn một số khó khăn, tồn tại, đó là: Quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế, phát triển dịch vụ chưa có bước đột phá... Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã chưa đồng đều, ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn bức xúc, các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô còn nhỏ, phân tán, thiếu liên kết; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Tỉnh tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010 - 2015 mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đã đề ra. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
2. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ và tiến tới tự cân đối, đảm bảo kinh phí hoạt động; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững; theo đó, cần tổ chức sản xuất theo hướng phát triển mô hình liên kết trong sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, liên kết tự nguyện giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc tìm đầu ra, đặt hàng sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững.
3. Huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đây là việc của dân, do dân và vì dân, từ đó người dân sẽ chủ động và tự nguyện tham gia Chương trình. Phấn đấu hết năm 2015 toàn Tỉnh đạt trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới;
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông sản sạch, giá trị cao; quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao: Tỉnh có văn bản đề xuất, kiến nghị cụ thể; trên cơ sở đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý đề nghị của Tỉnh trong quá trình hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Về việc bổ sung Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; hỗ trợ Hà Nam thực hiện một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (áp dụng hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại, hệ thống tưới tiết kiệm nước, máy móc, trang thiết bị bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu): Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét việc bổ sung tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý đề nghị hỗ trợ Tỉnh thực hiện một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao.
3. Về việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam: Giao Bộ Tài chính đề xuất phương án thành lập Cục Hải quan liên tỉnh (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định); xác định tiêu chí lựa chọn địa điểm đặt trụ sở Cục Hải quan này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về ứng vốn để thanh toán khối lượng đã hoàn thành của dự án Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 4347/VPCP-KTTH ngày 11 tháng 6 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, số 850/TTg-KTTH ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ,.
5. Về hỗ trợ vốn để triển khai Dự án Khu đại học Nam Cao, Dự án xây dựng đập Quan Trung - Vĩnh Trụ, đập và trạm bơm Chợ Lương: Tỉnh rà soát quy mô, phân kỳ đầu tư phù hợp, trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu vốn các dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm y tế chất lượng cao, Dự án đường vành đai kinh tế kết nối tỉnh Hà Nam với các tỉnh trong vùng (ĐT 495B), Dự án nạo vét, mở rộng lòng sông, chống sạt lở bờ, phát triển dân cư hai bên bờ sông Đáy (đoạn từ cầu Hồng Phú đến cống Địch Lộng, tỉnh Ninh Bình): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp và xem xét, xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
7. Về đề nghị hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và xem xét, xử lý trong quá trình bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 và 2016 cho Chương trình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 247/TB-VPCP ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
8. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xử lý trong quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp cho các vùng, miền nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, trong đó có tỉnh Hà Nam.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.