VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 285/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN CÁC QUY HOẠCH THOÁT NƯỚC VÀ CHỐNG NGẬP ÚNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 08 tháng 7 năm 2015 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về thực hiện các Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng thành phố Hồ Chí Minh, cùng dự họp có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến các đại biểu dự họp, ý kiến của các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận chỉ đạo như sau:
1. Về kết quả thực hiện các quy hoạch thoát nước, chống ngập:
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu về phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước, khu vực tập trung đông dân cư. Tuy nhiên, do cốt nền thấp, kết cấu hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng được yêu cầu nên thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp bị ngập úng khi mưa lớn, triều cường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 phê duyệt Quy hoạch về thoát nước và số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai thực hiện các Quy hoạch, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng:
- Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600 km cống thoát nước, 60 km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, triển khai xây dựng một số Nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa, đã góp phần giảm ngập úng do mưa tại 62 điểm ngập (từ 95 còn 33 điểm ngập);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với các chuyên gia của Hà Lan rà soát lại các Quy hoạch, thực hiện các đề tài nghiên cứu làm cơ sở khoa học thiết kế, xây dựng hệ thống cống kiểm soát triều, chống xói lở lòng, bờ kênh rạch; chủ động hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, sẵn sàng triển khai thực hiện các dự án cấp thiết khi bố trí được nguồn vốn.
Tuy nhiên, việc thực hiện các Quy hoạch còn rất chậm do thiếu nguồn vốn đầu tư, khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng, nhất là Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, nên tình trạng ngập úng do triều cường chậm được khắc phục (đến nay so với yêu cầu đặt ra mới cải tạo được 43% hệ thống cống thoát nước, 12% kênh rạch, xây dựng được 1/10 cống kiểm soát triều).
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
- Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời gian gần đây mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, nguy cơ ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng tăng nếu không sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ, kịp thời (theo thống kê từ năm 2013 đỉnh triều cường tại Phú An đã đạt mức lịch sử 1,68m, từ năm 2011 đến 2014 đã xuất hiện 76 lần đỉnh triều cao trên 1,5m, trong khi 63,5% diện tích Thành phố có cao độ dưới 1,5m nên tần suất ngập úng khi triều cường tăng nhanh). Việc chống ngập úng thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp thiết, Đảng bộ, chính quyền Thành phố cần coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố để tập trung giải quyết tạo chuyển biến căn bản, rõ rệt trong nhiệm kỳ tới, trong đó trước hết phải tập trung khắc phục ngập úng tại khu vực trung tâm Thành phố.
- Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập úng, cần quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bảo vệ các hồ điều hòa và các vùng chứa nước hiện có, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ điều hòa để chủ động trữ nước, giảm ngập; nạo vét, giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh, rạch để tiêu thoát nước nhanh, giảm thời gian ngập úng khi mưa lớn. Tăng cường quản lý, tiến tới hạn chế việc khai thác nước ngầm tránh nguy cơ sụt lún.
- Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp, tập trung giải quyết nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án thuộc các quy hoạch thoát nước và chống ngập úng; huy động các nguồn vốn từ ngân sách thành phố, ODA, PPP, quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
3. Về các đề xuất, kiến nghị:
a) Đồng ý kế hoạch triển khai thực hiện các Quy hoạch thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 giai đoạn từ 2016 - 2020 và từ 2021 - 2025, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 tập trung giải quyết chống ngập tại vùng lõi trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao các dự án thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh do Bộ đang quản lý sang Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý, đảm bảo tính thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ Thành phố về kỹ thuật và thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành theo nhiệm vụ được giao.
b) Đồng ý bổ sung các cống Phú Định và Cây Khô vào Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh để kiểm soát triều, phát huy hiệu quả chống ngập đối với vùng Nam Sài Gòn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung giải pháp chống ngập đối với phần diện tích còn lại trong quy hoạch chống ngập úng theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Về nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc quy hoạch thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020:
- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục, sớm triển khai thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán, vận động Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và JICA tiếp tục ưu tiên tài trợ vốn để đầu tư thực hiện các dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và xây dựng hệ thống cống thu gom cho 4 nhà máy xử lý nước thải.
- Đồng ý bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2020 để triển khai một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc các Quy hoạch thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh rà soát, lựa chọn dự án ưu tiên, thống nhất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, đề xuất Chính phủ cho sử dụng tiền sử dụng đất của khu cảng Sài Gòn (sau khi khấu trừ kinh phí đầu tư xây dựng cảng mới ở Hiệp Phước) để Thành phố có nguồn bổ sung cho ngân sách đầu tư vào các dự án chống ngập.
- Đồng ý việc sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) để thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 nhằm đẩy nhanh tiến độ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc cho vay tái cấp vốn đối với BIDV tương tự như cơ chế cho vay tái cấp vốn áp dụng với Chương trình hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ với mức lãi suất cho vay tái cấp vốn thấp nhất, thời hạn cho vay tái cấp vốn phù hợp với thời hạn của các khoản BIDV cho vay thực hiện các dự án nêu trên. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay tái cấp vốn đối với BIDV để cho vay thực hiện các dự án nêu trên.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý cụ thể các kiến nghị của BIDV về việc loại trừ dư nợ cho vay đối với dự án khi tính các tỷ lệ an toàn, cho vay dự án vượt 15% vốn tự có, không tính trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm đối với khoản tín dụng phục vụ cho dự án, không xác định hệ số rủi ro cũng như trích dự phòng rủi ro đối với dự án. Trường hợp vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng ý Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập úng: áp dụng hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, Ủy ban nhân dân Thành phố được thanh toán bằng ngân sách Thành phố đối với phần chênh lệch; được áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư để triển khai thực hiện Dự án.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.