VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2016 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2015 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2016 CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
Ngày 09 tháng 01 năm 2016, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn báo cáo kết quả công tác năm 2015, kế hoạch nhiệm vụ năm 2016 và ý kiến phát biểu tham luận của một số đại biểu, đại diện các đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2015 là năm cuối thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, là năm cả nước tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện hơn, với những biến động không thuận lợi về kinh tế tài chính thế giới, đặc biệt là sự suy giảm của giá dầu kể từ tháng 10 năm 2014 đến nay đã có tác động lớn đến sự phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong 2015 và kết quả 5 năm 2011-2015. Trong những thành tựu, kết quả chung của đất nước, có sự đóng góp to lớn của ngành Dầu khí. Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích đáng tự hào mà Tập đoàn đã đạt được trong giai đoạn 2011- 2015; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an toàn các hoạt động của ngành Dầu khí.
Với sự nỗ lực, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết và sự lao động cần cù, sáng tạo của toàn thể Cán bộ, Đảng viên, Công nhân viên Tập đoàn đã thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011- 2015 Thủ tướng Chính phủ đã giao. Cụ thể, các chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức trong chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011- 2015: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng 10,6% so với năm 2014 và khai thác dầu thô trong nước tăng 8,6% so với năm 2014 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước năm 2015 đạt 6,68% và trong 5 năm 2011 - 2015 Tập đoàn đã đạt tốc độ tăng doanh thu trên 6%/năm, tăng gấp 2,7 lần so với giai đoạn năm 2006-2010, đã đóng góp cho Ngân sách Nhà nước vượt 214,1 nghìn tỷ đồng - tương đương khoảng 10,1 tỷ USD so với kế hoạch Chính phủ giao. Các mặt hoạt động khác như lọc hóa dầu, sản xuất điện, dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã hoàn thành tốt kế hoạch năm 2015 và 5 năm 2011-2015, cụ thể: Sản xuất điện hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 18 ngày, đạt 21,98 tỷ kWh, vượt 18,8% kế hoạch năm, tăng 31,7% so với năm 2014; tính chung 5 năm đạt 83,54 tỷ kWh, vượt 4,6% kế hoạch 5 năm. Tập đoàn đã đạt mốc sản xuất kWh điện thứ 100 tỷ vào ngày 21/7/2015; Lọc hóa dầu hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng, đạt 6,91 triệu tấn, vượt 24,5% kế hoạch năm, tăng 20,7% so với thực hiện năm 2014; tính chung 5 năm đạt 33,75 triệu tấn, vượt 10,5% kế hoạch 5 năm; Hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục có kết quả tích cực, doanh thu dịch vụ dầu khí năm 2015 đạt 196,0 nghìn tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch năm và chiếm 35% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Tính chung trong 5 năm 2011-2015, tổng doanh thu dịch vụ đạt 1114 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình đạt 4%/năm, chiếm 31,7% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, tăng gấp 2,7 lần so với thực hiện 5 năm 2006- 2010. Quy mô tài sản, vốn sở hữu của Tập đoàn 5 năm 2011 - 2015 tăng vượt trội, tổng tài sản Tập đoàn tăng bình quân 10%/năm; vốn Chủ sở hữu tăng 12%/năm; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 12,4%/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ động và thực hiện nghiêm túc công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp theo đúng Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2013 và Quyết định số 1011/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội .v.v.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như đã nêu trong Báo cáo tổng kết của Tập đoàn. Lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Tập đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để có giải pháp khắc phục và xử lý triệt để các mặt còn tồn tại, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển mạnh và bền vững hơn trong các năm tiếp theo, xứng đáng với truyền thống, khẳng định vị thế của Tập đoàn trong khu vực và trên thế giới.
II. VỀ CÁC MỤC TIÊU NHIỆM VỤ NĂM 2016 VÀ THỜI GIAN TỚI
Trong năm 2016 và những năm tới, tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi, bất ổn chính trị tại Trung Đông, Châu Âu cộng thêm giá dầu giảm nhanh, giảm sâu, có diễn biến phức tạp khó lường, khó dự đoán là thách thức đối với Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên. Thống nhất với các mục tiêu và các nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ năm 2016 được đề ra trong Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Một số mục tiêu chủ yếu:
a) Về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí
- Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí; xây dựng cơ chế đột phá, khuyến khích các nhà thầu lớn từ những nước có vị thế trên thế giới tham gia tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; phấn đấu trước năm 2035, cơ bản đánh giá được trữ lượng dầu khí trên đất liền và thêm lục địa Việt Nam.
- Tích cực thăm dò tại các bể nước nông, nghiên cứu thăm dò các đối tượng tìm kiếm thăm dò mới, các bể trầm tích mới và các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate,...) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác lâu dài.
- Khai thác hiệu quả các mỏ hiện có; phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện dầu khí vào khai thác hợp lý và có hiệu quả để sử dụng tài nguyên dầu khí trong nước lâu dài. Xây dựng phương án hợp tác, cơ chế khai thác chung tại những vùng chồng lấn, tranh chấp phức tạp. Triển khai thu dọn các mỏ đã hết khả năng khai thác, bảo đảm hoàn nguyên môi trường sinh thái.
- Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài với cơ chế linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính và năng lực quản lý của ngành Dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hiệu quả kinh tế tài chính và quản trị tốt rủi ro. Lựa chọn các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, môi trường đầu tư tốt, thuận lợi về quan hệ chính trị theo thứ tự ưu tiên là: (1) Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ; (2) Đông Nam Á; (3) Bắc và Nam Mỹ; (4) Bắc Phi và Trung Đông.
b) Lĩnh vực công nghiệp khí
Xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: Khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - dự trữ - phân phối sản phẩm khí. Giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu. Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí và các sản phẩm khí từ sau năm 2020. Nghiên cứu phương án xây dựng hệ thống đường ống kết nối các khu vực, hình thành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia.
c) Lĩnh vực chế biến dầu khí
Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng Việt Nam trở thành trung tâm lọc hóa dầu trong khu vực. Chú trọng chế biến dầu khí nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu.
d) Lĩnh vực dịch vụ dầu khí
Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ dầu khí chất lượng cao; đẩy mạnh cổ phần hoá và thoái vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để bảo đảm chủ động thực hiện dịch vụ cho các lĩnh vực kinh doanh chính, các dự án đầu tư trong ngành Dầu khí; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài. Xác định các dịch vụ chủ đạo: Dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng khoan; dịch vụ khảo sát, xử lý và minh giải địa chấn; dịch vụ địa chất công trình, khảo sát và sửa chữa công trình ngầm; dịch vụ thiết kế, chế tạo và xây lắp các thiết bị, công trình dầu khí; dịch vụ đóng mới và vận hành các phương tiện nổi phục vụ hoạt động dầu khí; dịch vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, công trình dầu khí.
đ) Đối với công nghiệp điện
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, bảo đảm hiệu quả đầu tư đối với các dự án, nhà máy điện đã và đang triển khai, phát triển thêm một số dự án điện khí.
2. Cụ thể một số lĩnh vực gia tăng:
Tập đoàn cần thực hiện tốt các giải pháp để thực hiện kế hoạch năm 2016 đã thống nhất tại Hội nghị, trong đó chủ động bám sát diễn biến giá dầu thô để đề ra các giải pháp phù hợp, phối hợp cùng các Bộ, ngành đề xuất với Chính phủ giải pháp để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và linh hoạt trong hoạt động điều hành. Tập trung mọi nguồn lực và các giải pháp thực hiện nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, trên cả 5 lĩnh vực hoạt động chính, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cốt lõi là tập trung đủ nguồn lực để đầu tư phát triển lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, cụ thể:
- Đối với lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí:
Tập đoàn thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 như sau: Gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2016 đạt 16-20 triệu tấn dầu quy đổi. Khai thác dầu khí đạt 25,64 triệu tấn đầu quy đổi, trong đó: dầu thô 16,03 triệu tấn và 9,61 tỷ m3 khí. Đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phấn đấu ký 3 hợp đồng dầu khí trong nước, tìm cơ hội ký 1-2 hợp đồng dầu khí ở nước ngoài và khẩn trương sớm đưa các phát hiện mới vào phát triển khai thác. Tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn, nhằm gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, tăng sự đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế, đồng thời góp phần, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
- Đối với công nghiệp khí:
+ Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn có giải pháp phù hợp để triển khai các dự án khí theo kế hoạch đề ra, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
+ Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành an toàn và hiệu quả các công trình khí, đáp ứng nhu cầu khí cho các hộ tiêu thụ; thực hiện lộ trình giá khí theo cơ chế thị trường đã được Thủ tướng phê duyệt.
- Đối với lĩnh vực điện: Tập trung triển khai đầu tư các dự án điện được giao, tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư, xây dựng, công tác đấu thầu bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.
- Đối với lĩnh vực lọc hóa dầu: Triển khai Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo đảm tiến độ đề ra; đẩy nhanh và kiểm soát tốt tiến độ triển khai các dự án lọc hóa dầu, dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn theo Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vận hành an toàn và hiệu quả các Nhà máy lọc hóa dầu và nhiên liệu sinh học theo kế hoạch đề ra trong năm 2016.
- Đối với lĩnh vực dịch vụ: Tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, có giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là việc tìm kiếm cơ hội phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.
3. Tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp tại đơn vị và từng đơn vị thành viên của Tập đoàn: Thực hiện tiết giảm chi phí, áp dụng giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật hiện có; đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, còn yếu; ưu tiên đào tạo chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh doanh chính, đặc biệt là lĩnh vực cốt lõi; cần chú ý và có cơ chế thu hút sử dụng người có tâm, có tài để phát huy hết năng lực, trí tuệ của đội ngũ cho phát triển Ngành và sự phát triển chung của đất nước.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo đúng Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2013 và Quyết định số 1011/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Các nhiệm vụ khác:
- Tổng hợp những vấn đề có khó khăn, vướng mắc cần xử lý tháo gỡ trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn; Tập đoàn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hành lang pháp luật quy định riêng (đặc biệt là cơ chế liên quan đến lĩnh vực khâu đầu dầu khí; việc trích lập và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò; cơ chế chính sách thuế ưu đãi đối với các mỏ dầu khí cận biên và các dự án nâng cao hệ số thu hồi của Tập đoàn và các cơ chế đối với lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao phục vụ trực tiếp khâu đầu dầu khí), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tập đoàn phối hợp với các Bộ ngành chủ động nghiên cứu, có giải pháp và đề xuất báo cáo Chính phủ việc bảo đảm nguồn vốn để thực hiện các dự án mục tiêu về tìm kiếm, thăm dò.
- Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Chú trọng công tác xây dựng tổ chức, công tác cán bộ tốt hơn trong thời gian tới, quan tâm xây dựng Đảng, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí là một tập thể đoàn kết; phát huy truyền thống và thế mạnh về nguồn nhân lực sẵn có, thực hiện giải pháp đào tạo đội ngũ nhân lực, chuyên gia chất lượng cao, tham gia thị trường cung cấp nhân lực của ngành Dầu khí trên phạm vi toàn cầu.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng để triển khai công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động dầu khí trên Biển Đông trong tình hình mới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
- Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Liên doanh Việt-Nga “Vietsovpetro” sớm hoàn thành đàm phán và ký kết với Chính phủ Liên bang Nga về Nghị định Thư sửa đổi Hiệp định năm 2010 của Vietsovpetro và Hiệp định Liên Chính phủ về ưu đãi thuế khai thác tài nguyên cho Lô số 1 và Lô số 2 của Liên doanh Rusvietpetro.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.