VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 260/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH HỆ THỐNG THÔNG TIN NGÀNH ĐIỆN LỰC VÀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 26 tháng 5 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về an toàn, an ninh các hệ thống thông tin ngành điện lực và giao thông vận tải. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp: Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty viễn thông Mobifone, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình bảo đảm an toàn thông tin, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy định về bảo đảm an toàn thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể sau các sự cố về an toàn thông tin vừa qua. Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại hầu hết các cấp, các ngành còn chưa đầy đủ, đúng mức, nguy cơ mất an toàn thông tin còn cao, đặc biệt an toàn hệ thống thông tin lĩnh vực giao thông và điện lực. Vẫn còn hiện tượng lộ, lọt thông tin, tài liệu mật, một số trường hợp bị mất quyền kiểm soát hệ thống máy tính.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ an toàn hệ thống máy tính kết nối mạng Internet, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, của cơ quan chủ quản hệ thống thông tin; xác định nguy cơ mất an toàn hệ thống máy tính cơ quan thường trực, đặc biệt các hệ thống thông tin có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội như giao thông, năng lượng.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra:
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trước mắt tập trung các lĩnh vực như giao thông, điện lực báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 7 năm 2017.
3. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm cá nhân về an toàn hệ thống thông tin thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý, không được để mất quyền kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống máy tính.
4. Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chỉ đạo xây dựng các phương án bảo vệ an toàn hệ thống máy tính trong lĩnh vực phụ trách. Chỉ đưa hệ thống vào hoạt động khi thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống, coi đây là điều kiện tiên quyết khi đầu tư mới hoặc nâng cấp các hệ thống thông tin.
5. Về bảo vệ an toàn hệ thống thông tin giao thông:
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống thông tin quản lý giao thông đô thị và các đường cao tốc tại các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 01 tháng 9 năm 2017.
6. Về kinh phí để triển khai thực hiện:
Sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn để phục vụ cho công tác giám sát của cơ quan nhà nước đối với an toàn của hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ quản các hệ thống thông tin quan trọng cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước công cụ giám sát an toàn thông tin hệ thống của đơn vị mình.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.