VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 259/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH TUYÊN QUANG.
Ngày 23 tháng 7 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Cùng đi và dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2015 và một số đề xuất, kiến nghị; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015, kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2014 thu ngân sách đạt khá, giá trị công nghiệp tăng 32%, xuất khẩu đạt 61,4 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm, thu hút trên 1 triệu khách du lịch, Chương trình nông thôn mới đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt cao (89,8%), điện nông thôn đạt 96%. Những kết quả trên đã tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015, cụ thể như: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,5% so với cùng kỳ, các hoạt động thương mại, du lịch đều tăng khá, khai thác rừng trồng tăng 43,2%, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá; các chỉ tiêu khác cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm và từng bước nâng cao chất lượng. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,48%. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, kết nối cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi cao còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao so với bình quân cả nước; chất lượng một số lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa cao; tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; năng lực sản xuất và năng lực thị trường còn thấp.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để chuẩn bị tốt cho Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ XV, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cần phát huy thế mạnh và kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động, sáng tạo để Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững, lưu ý một số việc sau đây:
1. Tập trung chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, nhất là việc chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự trình Đại hội; văn kiện trình Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ cần rà soát kỹ để tìm ra những nguyên nhân tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại trong nhiệm kỳ qua. Trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới cho sát với thực tế ở địa phương và bảo đảm phát triển bền vững.
2. Phát huy những lợi thế so sánh như về đất đai, khoáng sản, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy... Tỉnh cần tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy trong mọi lĩnh vực, nhất là đổi mới tư duy về chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu nền kinh tế, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu của từng sản phẩm cho phù hợp với thực tế của địa phương; thực hiện tốt công tác kết nối cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, Tỉnh cần tích cực tìm các nguồn, các phương án phù hợp; tăng cường kết nối gắn với hội nhập kinh tế quốc tế với các nước trong khu vực và các tỉnh trong cả nước; có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ; công nghiệp hỗ trợ…; có chính sách để thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, ngư nghiệp.
3. Chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác quản lý nhà nước, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tập trung vào một số ngành có tiềm năng lợi thế; gắn kết chặt chẽ giữa các vùng sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tập trung phát triển một số cây trồng vật nuôi có lợi thế như cam, chè, nguyên liệu giấy… tổ chức tốt việc liên kết vùng, đẩy nhanh hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; tạo ra môi trường cạnh tranh hấp dẫn hơn.
4. Tập trung chăm lo đời sống cho đồng bào nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo, vùng khó khăn. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội; duy trì đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
III. MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về triển khai thực hiện phương án xây dựng đường cao tốc từ thành phố Tuyên Quang đấu nối vào đường cao tốc Lào Cai - Hải Phòng: Giao Bộ Giao thông vận tải lập dự án thống nhất với Tỉnh đề xuất phương án đầu tư phù hợp, khả thi, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Về đầu tư xây dựng cầu Tình Húc và xây dựng hai tuyến đường dọc sông Lô để hoàn thiện hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại II và khai thác quỹ đất phát triển dịch vụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết kiến nghị của Tỉnh, trong đó có phương án đưa vào kế hoạch đàm phán nguồn vốn WB theo chương trình phát triển đô thị phía Bắc; trường hợp không xử lý được thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
3. Về đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT 186 đoạn từ ngã ba Sơn Nam đến xã Hồng Lạc (Sơn Dương). Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
4. Về đầu tư tuyến đường Quang Trung, thành phố Tuyên Quang đến xã Lăng Quán, Thắng Quân (Yên Sơn): Tỉnh rà soát thứ tự ưu tiên lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định theo quy định, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
5. Về bổ sung quy hoạch Dự án thủy điện sông Lô 10 vào quy hoạch bậc thang thủy điện sông Lô: Bộ Công Thương sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với việc bố trí vốn xây dựng các công trình điện nông thôn giai đoạn 2013-2020: Giao Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
6. Về bố trí vốn năm 2015 thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng phê duyệt danh mục dự án ưu tiên để thi công kè đê Sầm Dương (Sơn Dương): Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch trung hạn theo Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, bố trí trong kế hoạch 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về bố trí vốn để hỗ trợ xử lý nước thải của khu công nghiệp Long Bình An: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, xem xét, xử lý theo quy định tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003; Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
8. Về dự án xây dựng bệnh viện đa khoa khu vực Kim Xuyên (Sơn Dương): Tỉnh hoàn thiện thủ tục để triển khai theo dự án ODA vay vốn của Hungari.
Đối với Bệnh viện đa khoa huyện Yên Sơn: Tỉnh thống nhất với Bộ Y tế về quy hoạch mạng lưới bệnh viện và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để hỗ trợ nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
9. Về hỗ trợ cho các hộ trồng rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu được vay vốn tín dụng ưu đãi bằng 30-50% lãi suất theo quy định: Trước mắt, Tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành. Trong thời gian tới khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về cơ chế, chính sách bảo vệ phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thực hiện chung.
10. Về kêu gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực điện tử: Tỉnh xây dựng kế hoạch và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để tổ chức công tác xúc tiến đầu tư và thương mại.
11. Về bổ sung kinh phí di dân, tái định cư giai đoạn II Trung ương cấp còn thiếu: Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các Bộ, cơ quan liên quan biết thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.