VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 228/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC DI DÂN PHÒNG, TRÁNH THIÊN TAI
Ngày 16 tháng 8 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác di dân phòng, tránh thiên tai. Cùng dự có Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương Cao Đức Phát và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, đại diện của các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của 34 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau:
1. Công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất thời gian qua
Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường diễn ra trên phạm vi hẹp, bất thường, khó dự báo nhưng hậu quả tàn phá rất khốc liệt, gây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất có yếu tố khách quan: do biến đổi khí hậu các loại hình thiên tai cực đoan xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn, mưa với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, trên địa hình dốc cộng với các nguyên nhân chủ quan: rừng đầu nguồn bị chặt phá, lớp phủ thực vật bị suy giảm làm gia tăng cường độ tập trung dòng chảy; do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác; san ủi xây dựng các cơ sở hạ tầng; áp lực gia tăng dân số, lấn chiếm dòng chảy xây dựng nhà ở.
Thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất và đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra.
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ các Bộ, ngành và địa phương đã tăng cường công tác trồng rừng, chủ động quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2020, trong đó có nhiều biện pháp cụ thể phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất còn những mặt tồn tại, hạn chế như: công tác điều hành các dự án di dân chưa được quan tâm đúng mức; nguồn vốn đầu tư cho các dự án còn hạn hẹp; chưa xây dựng được bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; mức độ chính xác của cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chưa cao; công tác di dân còn gặp nhiều khó khăn; trồng rừng đầu nguồn và bảo vệ rừng chưa đảm bảo tiến độ; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng ở các tỉnh miền núi còn hạn chế; huy động lực lượng xung kích và phương tiện ứng cứu theo phương châm 4 tại chỗ chưa đảm bảo.
2. Những việc cần triển khai trong thời gian tới
Để công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất hiệu quả, trong thời gian tới, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương làm tốt các việc sau đây:
- Hoàn thiện quy hoạch sắp xếp lại dân cư, thực hiện di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Điều kiện địa hình và tác động của yếu tố biến đổi khí hậu không ngừng thay đổi, vì vậy phải rà soát cập nhật thường xuyên, phát hiện những vùng nguy hiểm mới xuất hiện để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Nhu cầu di dời dân của các địa phương tương đối lớn, trong quy hoạch phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, chia thành dự án cấp bách thực hiện ngay, dự án mang tính chiến lược thực hiện dài hạn, vùng nguy hiểm cao cần di dời trước, vùng chưa có điều kiện di dời ngay phải thực hiện cảnh báo kịp thời cho dân. Kết hợp việc sắp xếp lại dân cư phòng, chống thiên tai với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê nhu cầu vốn của các địa phương, phân kỳ đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ đập, ưu tiên đầu tư trước cho những hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, biểu hiện nguy hiểm khi có bão, lũ. Chủ đầu tư kiến nghị các biện pháp đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng đối với những dự án cấp bách để đảm bảo tiến độ thực hiện.
- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình, đảm bảo an toàn trước tác động của thiên tai; nghiêm cấm việc xây dựng công trình, nhà ở tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
- Tiếp tục tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất và các biện pháp phòng, chống, để người dân hiểu biết, khi thiên tai xảy ra chủ động tự cứu mình và cộng đồng trước khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn tới. Hàng năm, tổ chức diễn tập phòng, chống lũ quét, sạt lở đất để nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện việc bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, để chính quyền địa phương thực hiện cảnh báo cho nhân dân, trong đó ưu tiên thực hiện trước việc lập bản đồ phân vùng, phục vụ cảnh báo cho các địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
- Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đẩy nhanh việc thực hiện đề án tăng cường năng lực dự báo, lắp đặt bổ sung mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu cung cấp tài liệu cần thiết phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm.
Thực hiện lắp đặt các trạm đo mưa nhân dân gắn với thiết bị cảnh báo tự động ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chính quyền địa phương hướng dẫn nhân dân chủ động phòng, tránh.
- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tổng hợp nhu cầu trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn báo cáo Thủ trướng Chính phủ. Các Bộ, ngành chuẩn bị lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi tình huống khẩn cấp xảy ra.
- Chính quyền địa phương các cấp thực hiện dự trữ lương thực, thực phẩm, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do lũ quét, sạt lở đất; làm tốt việc huy động lực lượng xung kích tại chỗ, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn khẩn cấp ban đầu, trước khi có lực lượng hỗ trợ từ bên ngoài.
- Tiếp tục thực hiện dự án trồng và bảo vệ rừng, ưu tiên trồng rừng đầu nguồn cho vùng được cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.