VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 219/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ VIỆT NAM
Ngày 04 tháng 6 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hữu nghị). Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ ngành: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo về kết quả hoạt động và các kiến nghị của Liên hiệp Hữu nghị, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành cùng tham dự, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Liên hiệp Hữu nghị có tiền thân là các tổ chức thành viên như Hội Việt - Mỹ thân hữu, Hội Việt - Trung hữu hảo do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Việc thành lập các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị là một chủ trương sáng tạo và đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thực hiện xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng trước đây và sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong hơn 65 năm qua, Liên hiệp Hữu nghị đã phát triển lớn mạnh, trở thành tổ chức chính trị - xã hội, là tổ chức nòng cốt trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu đối ngoại, củng cố môi trường hòa bình, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dân vì mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước.
2. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 02 tháng 12 năm 2008 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, khẳng định Liên hiệp Hữu nghị là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân, là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách của đất nước. Liên hiệp ở Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức chặt chẽ, được bảo đảm biên chế và kinh phí. Các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, điều kiện và phương tiện làm việc của cơ quan thường trực cũng được bảo đảm. Theo các quan điểm đó, Liên hiệp Hữu nghị cần tổ chức hoạt động theo các phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", tăng cường mở rộng, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; đẩy mạnh hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước; tích cực, chủ động đấu tranh dư luận, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; vận động, tập hợp người Việt Nam hướng về Tổ quốc; chủ động vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu và tham mưu về các vấn đề đối ngoại.
3. Thống nhất với đánh giá của lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị và các Bộ, ngành về kết quả công tác cũng như những khó khăn hiện nay, Thủ tướng khẳng định những yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân là rất lớn. Liên hiệp Hữu nghị cần phát huy những thành quả đạt được, chủ động khắc phục những hạn chế để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục phối hợp công tác với các Bộ, ngành, các địa phương trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và quản lý của Nhà nước, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân.
4. Về các kiến nghị của Liên hiệp Hữu nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:
a) Liên hiệp Hữu nghị là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Ban Bí thư.
b) Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Liên hiệp Hữu nghị xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
c) Giao Bộ Nội vụ:
- Nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về vai trò, vị trí của các hội đặc thù đã được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
- Chủ trì, đề xuất ban hành văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện nội dung của Chỉ thị 28-CT/TW ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Ban Bí thư.
- Rà soát số biên chế hiện có của cơ quan thường trực Liên hiệp Hữu nghị để bổ sung biên chế công chức phù hợp với vị trí, chức danh và nhiệm vụ được giao.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo chuyên trách của Liên hiệp Hữu nghị theo từng trường hợp cụ thể.
d) Giao Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành và nhiệm vụ cụ thể giao cho Liên hiệp Hữu nghị; căn cứ nhu cầu thực tế, Bộ Tài chính xem xét, bổ sung một số xe ô tô cho hoạt động thường xuyên và bổ sung kinh phí thuê xe ô tô phục vụ hoạt động đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị.
đ) Đồng ý với đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đối ngoại nhân dân theo nguyên tắc tự chủ tài chính và tự huy động nguồn lực; Liên hiệp Hữu nghị xây dựng đề án thành lập Quỹ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét, phê duyệt phương án hỗ trợ kinh phí ban đầu và nguồn cho Quỹ.
e) Liên hiệp Hữu nghị phối hợp với Bộ Tài chính về kế hoạch sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc tại Hà Nội; làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Tài chính về trụ sở làm việc riêng cho Văn phòng phía Nam của Liên hiệp Hữu nghị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Liên hiệp Hữu nghị và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.