VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 208/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP TỔNG KẾT CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐỂ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH CHO NGƯỜI DÂN 04 TỈNH MIỀN TRUNG BỊ ẢNH HƯỞNG SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG BIỂN
Ngày 17 tháng 5 năm 2018 tại Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Y tế và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thành viên Ban chỉ đạo gồm các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Công an; Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện các cơ quan của Đảng: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Nội chính, Văn phòng Trung ương; đại diện các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban các vấn đề xã hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo 68, Ngân hàng chính sách xã hội, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, các cơ quan thông tấn, báo chí, VTV, VOV, TTXVN; sau khi nghe Báo cáo tổng kết do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày, các báo cáo của các bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tài chính, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban nhân dân 04 tỉnh và ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của sự cố môi trường cách đây 02 năm. Với sự có mặt của 16 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đối với công tác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân tại 04 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường biển trong 02 năm qua.
Sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4 năm 2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hết sức nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta; gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống hơn 510 nghìn người, với 130 nghìn hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 04 tỉnh miền Trung. Đặc biệt trong bối cảnh lúc đó cả nước đang chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 13 và Hội đồng nhân dân các cấp; các thế lực thù địch, phản động tạo cớ lợi dụng xuyên tạc gây rối, chống phá làm mất trật tự an ninh.
Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao để sớm có giải pháp nhanh nhất ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân 04 tỉnh. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đã xuống tận hiện trường, cơ sở để khảo sát, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp xử lý hậu quả, ổn định ngay đời sống người dân bị ảnh hưởng. Nhằm đảm bảo công tác ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân được kịp thời và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống vả sản xuất, kinh doanh cho người dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường, do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban với 18 thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân 04 tỉnh. Ban chỉ đạo đã liên tục họp hàng chục cuộc họp toàn thể cũng như các cuộc họp chuyên đề, kịp thời tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, quy định cần thiết cho công tác này.
Trong 2 năm qua, trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: công khai, minh bạch, dân chủ và khoa học, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành quyết liệt triển khai thành công các nhiệm vụ: tìm nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố; hỗ trợ người dân ổn định tâm tư, đời sống, khôi phục sản xuất cả trước mắt lẫn về lâu dài; xác định, kê khai thiệt hại, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; giám sát an toàn thực phẩm; quan trắc, giám sát, đánh giá môi trường nước biển; thông tin, tuyên truyền chính sách, quy định của pháp luật, kết quả xử lý sự cố môi trường đến người dân, đấu tranh với các luận điệu chống phá, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; giám sát tình hình khắc phục sai phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (sau đây gọi là Công ty FHS)...
Bên cạnh đó là vai trò của các cấp chính quyền, của các lực lượng công an, quân đội (trực tiếp là Quân khu IV) đã xử lý các điểm nóng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban Chỉ đạo, các Bộ, Ban, ngành, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể; các nhà khoa học trong và ngoài nước; các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt là ngư dân trực tiếp bị ảnh hưởng do sự cố môi trường tại 04 tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn khẩn trương khắc phục các hậu quả, ảnh hưởng của sự cố môi trường, nhanh chóng ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, kiên định, tin tưởng vào chế độ trước các luận điệu phản động, chống phá Nhà nước của các thể lực thù địch.
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo chủ động, tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm, đồng bộ của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân các địa phương... Vì vậy, sau 2 năm công tác khắc phục sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung cơ bản hoàn thành, trong đó các kết quả cụ thể đạt được:
- Xác định nhanh chóng nguyên nhân và kiên trì đấu tranh buộc thủ phạm gây ra sự cố công nhận hành vi vi phạm
- Công tác xác định, kê khai thiệt hại và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại được tiến hành khẩn trương, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ (có sự giám sát của cộng đồng dân cư từ khâu thống kê thiệt hại đến khâu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ), đến nay đã cơ bản hoàn thành. Hơn 99% người dân bị ảnh hưởng đã nhận được tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại.
- Công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đã và đang tiếp tục được triển khai tích cực.
- Môi trường biển, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản đã được khôi phục, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch của 04 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản. Như đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế đã báo cáo và tuyên bố tại Hội nghị, môi trường biển và hải sản (bao gồm cả hải sản tầng đáy) khu vực biển 04 tỉnh miền Trung đã an toàn, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam.
- An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, nhất là trong thời gian đầu khi xảy ra sự cố. Đã làm thất bại âm mưu của kẻ xấu, các lực lượng phản động cố tình lợi dụng vụ việc này để chống phá Nhà nước ta. Các lực lượng chức năng đã nắm chắc tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn, xử lý, giải quyết tốt các vụ việc.
- Hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, tin tưởng vào chế độ, thông cảm, tin yêu lẫn nhau, gia tăng tình đoàn kết.
III. CÁC BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Mặc dù đạt được nhiều kết quả như trên nhưng công tác triển khai khắc phục sự cố kéo dài gần 2 năm, chậm so với yêu cầu về tiến độ do các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều, đa dạng, phức tạp và chưa có tiền lệ. Sự phối hợp trong cung cấp, xử lý thông tin trong thời gian đầu còn hạn chế, chưa đầy đủ và kịp thời do tính chất nhạy cảm, phức tạp của sự cố môi trường biển và đã bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Qua sự việc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Người dân đã tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở; đã thông cảm, đoàn kết với nhau hơn.
- Lực lượng cán bộ tham gia xử lý công việc đã trưởng thành hơn.
- Tuy sự cố môi trường biển xảy ra lần đầu tiên trên diện rộng ở nước ta đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân nhưng do có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương như các Bộ, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc.
- Thành lập Ban chỉ đạo để tập trung đầu mối, tập trung trí tuệ, tập trung chỉ đạo phối hợp các cơ quan thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn với cách làm dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ, kiên quyết, dựa trên các căn cứ khoa học.
- Phải quán triệt nhận thức rõ: môi trường là một trong 3 thành tố của tam giác kinh tế - xã hội - môi trường, là một trụ cột phát triển kinh tế xã hội mà chúng ta phải giữ, mọi địa phương phải bảo vệ môi trường là cốt lõi, không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào. Công tác bảo vệ môi trường cần được coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu ở các cấp chính quyền, cần quan tâm đúng mức, xem xét vấn đề môi trường từ khi lựa chọn các dự án đầu tư và trong quá trình giám sát thực hiện.
- Mặc dù quá trình xử lý, khắc phục sự cố môi trường và ổn định đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng nhờ huy động và phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, các nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được hoàn thành.
- Nguyên tắc chỉ đạo khẩn trương, công khai, dân chủ, minh bạch và sát thực tế.
- Cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
- Huy động và phối hợp được lực lượng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước để xác định nguyên nhân sự cố môi trường trong một khoảng thời gian ngắn đáp ứng được các yêu cầu về khoa học cũng như chính trị, góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
IV. CÁC NHIỆM VỤ, CÔNG VIỆC TRONG THỜI GIAN TỚI
Hai năm qua, hầu hết các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo đã triển khai thành công và hoàn thành đạt kết quả tốt như nêu trên. Theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg , Ban Chỉ đạo tự động giải thể theo đúng quy định. Các nhiệm vụ, dự án hiện đang triển khai, chưa hoàn thành, các Bộ, ngành căn cứ theo nhiệm vụ được giao, chức năng, thẩm quyền của mình tiếp tục tập trung triển khai đảm bảo đúng tiến bộ.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới các Bộ ngành và địa phương cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là công tác đánh giá tác động môi trường cần phải được tăng cường, nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp. Từ sự cố môi trường biển này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giải pháp phù hợp để giữ gìn được môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng, cả trước mắt và lâu dài. Hệ thống quan trắc đánh giá môi trường phải được tập trung đầu tư xây dựng trên toàn quốc nhất là các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, hoạt động hiệu quả, thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Kết quả quan trắc phải được công khai, minh bạch để dân giám sát. Công khai bộ chỉ số đánh giá. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, các dự án bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng thị trường mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất xây dựng thuế môi trường đối với các doanh nghiệp có vi phạm về bảo vệ môi trường.
2. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khác tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tiếp tục giám sát, theo dõi chất lượng môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định; theo dõi, quan trắc giám sát môi trường biển các tỉnh ven biển, đặc biệt giám sát FHS sau khi vận hành lò 2.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tại 04 tỉnh từ nguồn kinh phí bồi thường của Công ty FHS.
4. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tại các tỉnh miền Trung, trong đó tập trung vào cộng đồng bà con tôn giáo để bà con tin tưởng, ủng hộ Nhà nước; chủ động phòng, chống các luận điệu phản động.
5. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an địa phương bám sát địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại 04 tỉnh miền Trung.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế:
- Tập trung chỉ đạo chi trả hết số tiền hỗ trợ thiệt hại còn lại (dù còn tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,9%) không để phát sinh khiếu kiện; hoàn thành hồ sơ, thủ tục quyết toán theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính; hoàn thành trước ngày 30 tháng 8 năm 2018. Tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh khác như giáo dục, đào tạo, học nghề, việc làm...
- Tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được của tỉnh đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các cơ chế, chính sách để trục lợi.
- Triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá đúng quy định và đảm bảo hiệu quả; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các dự án khôi phục hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên vùng biển, xây dựng các trạm quan trắc môi trường biển tại địa phương.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; có giải pháp bảo đảm môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.