BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2033/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ XUÂN THU TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG CHUỖI SẢN XUẤT KINH DOANH NÔNG SẢN CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN
Ngày 20/4/2012, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã chủ trì cuộc họp về công tác chất lượng, an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản có nguồn gốc động vật trên cạn. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Cục: Chăn nuôi; Thú y; Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối; Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản; Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã kết luận:
Trong chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản có nguồn gốc động vật trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cụ thể việc kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP NLTS cho các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành theo quy định tại Quyết định số 3408/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/12/2010. Trong thời gian qua, về cơ bản các đơn vị đã có sự phối hợp công tác tương đối tốt để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012, yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các công việc sau:
1. Về Kế hoạch phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012: Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì xây dựng Kế hoạch phối hợp giữa Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản có nguồn gốc động vật năm 2012 theo kết luận của Bộ trưởng tại hội nghị Ngành triển khai kế hoạch năm 2012. Kế hoạch cần nêu cụ thể nội dung, đơn vị chủ trì/ phối hợp, thời gian tổ chức thực hiện, sản phẩm đầu ra và nguồn kinh phí.
2. Về các văn bản quy định, quy chuẩn kỹ thuật: Các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi các văn bản phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao thực hiện, lưu ý bổ sung các quy định đối với nhóm sản phẩm còn thiếu, ưu tiên nhóm sản phẩm chăn nuôi (lợn, gia cầm). Lập kế hoạch và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chăn nuôi, chế biến các sản phẩm có nguồn động vật trên cạn.
3. Về việc kiểm soát hàng nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT: Để kịp thời thông báo cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, đề nghị phối hợp truy xuất lô hàng nhập khẩu không bảo đảm an toàn thực phẩm và có biện pháp khắc phục phù hợp từ cơ sở sản xuất kinh doanh lô hàng vi phạm; đồng thời làm căn cứ xây dựng kế hoạch kiểm tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất kinh doanh tại nước xuất khẩu, định kỳ hàng quý (hoặc khi có lô hàng nhập khẩu bị phát hiện vi phạm), Cục Thú y có trách nhiệm thông báo cho Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kết quả kiểm tra các lô hàng xuất khẩu vào Việt Nam. Lập kế hoạch và xây dựng các tiêu chuẩn/quy chuẩn trong chăn nuôi, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn.
4. Về công tác công bố/cung cấp thông tin khi có sự cố về an toàn thực phẩm: để tránh các thiệt hại không đáng có cho người sản xuất kinh doanh và tâm lý lo ngại, hoang mang cho người tiêu dùng do công tác công bố/cung cấp thông tin khi có sự cố về an toàn thực phẩm hoặc khi phát hiện các trường hợp vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý địa phương, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố để hướng dẫn về công tác công bố/cung cấp thông tin trong các trường hợp nêu trên và thông báo đơn vị đầu mối cung cấp thông tin về ATTP của Bộ là Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.
5. Về kiểm soát chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi: Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tìm hiểu quy định các thị trường (EU, Mỹ) để đề xuất mức giới hạn chất cấm trong thức ăn chăn nuôi phù hợp quy định quốc tế. Sớm rà soát, sửa đổi, ban hành Danh mục những chất cấm, Danh mục các chất được phép sử dụng trong SXKD thức ăn chăn nuôi.
6. Cần nhanh chóng rà soát năng lực các phòng kiểm nghiệm, lựa chọn phòng đủ điều kiện để công nhận phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia để làm nhiệm vụ kiểm nghiệm tham chiếu; Hàng năm có tham gia kiểm liên phòng với phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc tế và tổ chức kiểm liên phòng giữa các phòng kiểm nghiệm trong nước để đảm bảo sự chính xác trong các mẫu kiểm nghiệm.
7. Về thông tin dùng hóa chất để biến thịt ôi thành thịt tươi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng: Cục Quản lý chất lượng NLS&TS chủ trì, phối hợp với Cục Thú y, Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối kiểm tra thực tế việc sử dụng hóa chất để ngâm tẩm, biến thịt ôi thành thịt tươi; có thông tin chính xác để trả lời công luận. Chủ động bố trí làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Y tế để bàn thống nhất kế hoạch, biện pháp phối hợp giải quyết các vấn đề về ATTP, trong đó có việc quản lý phụ gia, hóa chất.
8. Đề nghị Cục Thú y phối hợp với Thanh tra Bộ tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để chấn chỉnh việc kiểm dịch, cấp phép, thu phí, lệ phí của Cơ quan thú y địa phương trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những sai phạm nếu có; phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lò giết mổ.
9. Về Chương trình MTQG ATVSTP: Các Cục chuyên ngành cần phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS trong việc xây dựng văn kiện dự án, bảo vệ nội dung của Dự án với Ban Quản lý Chương trình MTQG ATVSTP. Phối hợp với Ban quản lý các dự án nông nghiệp để đẩy mạnh việc xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản.
Việc thực hiện Chương trình giám sát quốc gia: Do kinh phí Chương trình MTQG ATVSTP cấp chậm, các đơn vị cần chủ động đề xuất kinh phí từ nguồn phí, lệ phí của đơn vị để triển khai chương trình giám sát ATTP trong lúc chờ kinh phí được cấp từ chương trình MTQG ATVSTP.
10. Về đào tạo, tập huấn cho cơ quan kiểm tra địa phương: Các Cục lập kế hoạch tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và nghiệp vụ kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP cho cơ quan địa phương.
11. Về xúc tiến thương mại: Khi thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đề nghị Cục Chế biến TM NLTS&NM cần có thông tin cho các Cục chuyên ngành về nhu cầu quảng bá giới thiệu sản phẩm, cập nhật thông tin về các quy định của thị trường nhằm tổ chức sản xuất trong nước, mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa nông sản trong nước.
12. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc động vật, kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan, định kỳ hàng quý, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu sẽ chủ trì họp với Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các đơn vị có liên quan. Các đơn vị cần cử Lãnh đạo tham dự các cuộc họp, và chuẩn bị báo cáo.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.