VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU CỦA TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM
Ngày 03 tháng 01 năm 2014, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Thống nhất với báo cáo, đánh giá của Bộ Giao thông vận tải và Vinalines về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Trong giai đoạn vừa qua, do thị trường vận tải biển chưa phục hồi, nguồn vốn hạn chế, Vinalines gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt về nguồn vốn lưu động và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, sự nỗ lực cố gắng của Hội đồng thành viên và Ban giám đốc Vinalines cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành có liên quan, Vinalines đã bám sát định hướng đầu tư phát triển, tập trung xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn thách thức; triển khai thực hiện việc tái cơ cấu tài chính, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp thành viên theo Đề án tái cơ cấu đã đạt được một số kết quả bước đầu tuy còn hạn chế nhưng cũng đáng khích lệ.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Trong năm 2014 và thời gian tới, thị trường vận tải biển được dự báo còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Vinalines cần phải nỗ lực cố gắng hơn nữa; bám sát các nội dung cụ thể của Đề án tái cơ cấu để chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, khả thi và phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu của thị trường vận tải biển. Cụ thể:
a) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
- Tăng cường công tác quản trị, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực, chủ động tính toán, có phương án bán tàu để cắt giảm lỗ đối với những tàu không còn nhu cầu khai thác, sử dụng;
- Tập trung xử lý tài chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu Vinalines;
- Tiến hành cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu đầu tư hợp lý, đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu của thị trường vận tải biển.
b) Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành khác có liên quan đôn đốc, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính và Đề án tái cơ cấu Vinalines; kịp thời xử lý, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của Vinalines; góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để Vinalines vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
3. Về các kiến nghị
a) Về việc giữ lại khoản tiền thu được từ bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa: Giao Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn Vinalines thực hiện theo quy định.
b) Về việc sử dụng 200 tỷ đồng từ khoản tiền vốn điều lệ được cấp bổ sung để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Container Vinalines khi chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Vinalines thực hiện;
c) Về việc sử dụng 200 tỷ đồng từ nguồn vốn điều lệ được cấp bổ sung để cho một số doanh nghiệp vận tải biển vay vốn lưu động với thời hạn 03 năm nhằm duy trì hoạt động đội tàu Vinalines: Giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Vinalines thực hiện theo quy định;
d) Về phương án chuyển đổi các khoản nợ vay mà Vinalines đã cho các đơn vị chuyển giao từ Vinashin vay: Đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi các khoản nợ vay mà Vinalines đã cho các đơn vị chuyển giao từ Vinashin vay như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
đ) Về phương án cơ cấu nợ của Vinalines tại 04 ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối: Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các Bộ và cơ quan có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
e) Về việc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp tham gia cơ cấu nợ của 02 doanh nghiệp hạch toán trực thuộc Công ty mẹ Vinalines (Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Container Vinalines): Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xử lý theo quy định hiện hành;
g) Về phương án cơ cấu tỷ lệ góp vốn của Vinalines tại các liên doanh SSIT và SP-PSA: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền;
h) Về những vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu tài chính của Vinalines: Giao Bộ Giao thông vận tải tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.