BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 175-TB/TW | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 48-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHOÁ X VỀ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VÀ ĐÔ THỊ HUẾ ĐẾN NĂM 2020
Tại phiên họp ngày 10-7-2014, sau khi nghe Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25-5-2009 của Bộ Chính trị khoá X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Kết luận số 48-KL/TW) và ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau :
1- Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Phát huy được vai trò, vị thế của trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của miền Trung và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân trên 10%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 17%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược được tập trung đầu tư phát triển. Công tác quy hoạch và xây dựng đô thị có nhiều tiến bộ. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng "đô thị di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường"; diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả. Huế đã trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hoá của Cộng đồng ASEAN. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,5%. Các vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời và có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, nội bộ đoàn kết, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngày càng được nâng lên. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng; nỗ lực khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững. Sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế biển và đầm phá chưa được đầu tư, phát triển đúng tầm. Hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng chưa có điều kiện đầu tư thực hiện theo đúng quy hoạch. Một số chương trình, đề án lớn chưa hoàn thành, tiến độ chậm do chưa đủ nguồn lực. Vai trò động lực, liên kết vùng và tính lan toả về kinh tế chưa cao.
Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả, song chưa đi vào chiều sâu; kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc chưa nghiêm. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt.
Khuyết điểm, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là : Chưa có sự bứt phá về tư duy trong phát triển kinh tế. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu do nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn. Sự hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng còn hạn chế. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
2- Cơ bản tán thành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Tờ trình và Báo cáo của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, đồng thời nhấn mạnh, lưu ý một số điểm sau :
2.1- Cần nhận thức sâu sắc hơn, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của trung tâm văn hoá, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ của miền Trung và của cả nước để phát triển nhanh và bền vững hơn. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, hài hoà giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, đồng bằng và miền núi. Chú trọng phát triển kinh tế biển và vùng miền Tây của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Ưu tiên phát triển các dịch vụ có lợi thế, nhất là du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, giữ gìn, bảo vệ cảnh quan đô thị Huế. Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với việc xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
2.2- Tập trung rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Phát huy lợi thế so sánh và tính đặc thù để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Huế đồng bộ theo hướng "Thành phố vườn, đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hoá và thân thiện với môi trường". Phát triển đô thị theo mô hình "Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh". Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh để từng bước xây dựng "Thành phố vườn" - Thành phố có môi trường xanh, thân thiện, xã hội hài hoà, văn hoá phong phú, nhân dân hạnh phúc. Phấn đấu sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
2.3- Chú ý tăng cường liên kết vùng, gắn xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trong mối quan hệ hữu cơ với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận khác; phát huy vai trò lan toả, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Phối hợp với các địa phương trong vùng và các bộ, ngành Trung ương, huy động cao nhất các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông (mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên Huế, hầm đèo Phước Tượng, Phú Gia...), hệ thống giao thông nội thị nhằm tạo môi trường thuận lợi để khai thác tối đa nội lực, thu hút đầu tư nước ngoài và công nghệ mới.
2.4- Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và ngang tầm với các đại học trong khu vực; từng bước đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp, cùng với Trường Đại học Y Dược Huế trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tập trung xây dựng đồng bộ các thiết chế y tế hiện đại, hoàn thiện Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước. Gắn phát triển dịch vụ y tế với phát triển du lịch; khuyến khích xã hội hoá các dịch vụ y tế. Tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.
2.5- Hết sức quan tâm đổi mới phong cách, phương thức, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, với tinh thần chủ động vươn lên, khai thác, phát huy hơn nữa mọi nguồn lực, cả nhân lực, tài lực, vật lực, các nguồn lực xã hội trong dân và nước ngoài. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cần hết sức chú ý vừa phát triển toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, tạo bứt phá với tinh thần quyết liệt, sáng tạo hơn nữa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ cương, chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
2.6- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, đặc biệt là an ninh tôn giáo và trật tự an toàn xã hội. Giải quyết kịp thời các khiếu kiện của nhân dân, không để xảy ra "điểm nóng".
2.7- Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tích cực chuẩn bị để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, có sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tổ chức, cán bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung khắc phục dứt điểm những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
3- Đồng ý về chủ trương đối với các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế và giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng, ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan cùng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau :
3.1- Tiếp tục chuẩn bị kỹ về mọi mặt và hoàn chỉnh đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó cân nhắc về phạm vi địa giới cho phù hợp, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến, trình Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trước hết, đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương theo chức trách, thẩm quyền của mình, cần tiếp tục quan tâm đặc biệt và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
3.2- Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đã được Chính phủ phê duyệt : Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai"; Đề án "Xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival"; "Cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế". Tỉnh cần tiếp tục chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ, huy động tối đa mọi nguồn lực cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án trên địa bàn.
3.3- Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thiện Đại học Huế nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và cả nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 để tạo điều kiện phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.
4- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kết luận số 48-KL/TW và Thông báo này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nơi nhận : | T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.