VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 159/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KHÁNH HÒA
Ngày 28 tháng 02 năm 2017, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 và một số đề xuất, kiến nghị. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Quân chủng Hải quân, Quân khu V. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, cơ quan tham dự, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Biểu dương sự cố gắng và những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Khánh Hòa, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của vùng và cả nước. Kinh tế - xã hội năm 2016 của Tỉnh phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với cùng kỳ năm trước. Giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có bước phát triển. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm. An ninh, quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu phát triển kinh - tế xã hội chưa đạt; phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều; khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh còn lớn. Chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch; công tác quản lý du lịch còn một số bất cập, chưa trở thành hình mẫu về phát triển bền vững du lịch. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (năm 2015: chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 57; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố). Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng chưa nghiêm; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được giải quyết tốt; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn bất cập.
II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản thống nhất với định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020 mà Tỉnh đã đề ra; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Nghị quyết của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân Tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2017, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Về tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển: Với vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh- quốc phòng và kinh tế - xã hội, Khánh Hòa cần phát triển toàn diện du lịch - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, nông thôn; đóng góp quan trọng vào phát triển của miền Trung và cả nước. Tập trung xây dựng Khánh Hòa trở thành hình mẫu cho phát triển du lịch bền vững, có những giải pháp cụ thể, hiệu quả cả về xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tỉnh cần nỗ lực xây dựng được các thương hiệu du lịch mạnh, tầm cỡ quốc tế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch lớn của khư vực, thế giới; gắn phát triển du lịch với các ngành, nghề phụ trợ và liên kết vùng, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và khu vực.
2. Triển khai quyết liệt thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp; coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 25-30 nghìn doanh nghiệp.
Tôn vinh những nông dân, doanh nhân làm giàu chính đáng; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ về công nghệ, kinh nghiệm cũng như các đầu mối đối tác với các doanh nghiệp khác trong cả nước.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền. Xây dựng Khánh Hòa là một hình mẫu của chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Tỉnh phải phấn đấu đứng vào tốp đầu trong chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, phải lấy kết quả phát triển doanh nghiệp, số việc làm mới tạo ra, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... làm chỉ số trụ cột để đánh giá hiệu quả chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Bộ máy chính quyền các cấp của Tỉnh phải có tư duy mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và cải cách hành chính, phải "ba cùng" với doanh nghiệp (cùng lo - tức cùng trăn trở, suy tư với doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất; cùng làm - tức cùng bắt tay vào hành động, thực thi hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; cùng chia sẻ - tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, tránh trùng chéo thanh tra kiểm tra).
Phải tạo được tinh thần cầu thị lắng nghe trong cả hệ thống hành chính, tạo chữ tín trong giải quyết công việc, tạo động lực làm việc cho cán bộ công chức; đặc biệt là có cơ chế thi đua khen thưởng, ghi nhận, khuyến khích kịp thời đối với cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
4. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong tất cả các lĩnh vực. Đồng thời phải quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước.
Khánh Hòa phải nâng tầm chiến lược và quy hoạch phát triển, kể cả hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, nhất là một số bệnh viện; trong đó tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ đất đai, cơ chế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Thực hiện các giải pháp để thu hút mạnh đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, kể cả trong nước và nước ngoài. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để hình thành Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong: tham gia xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch tổng thể, xúc tiến đầu tư các dự án chiến lược theo quy định.
5. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung vào 2 lĩnh vực mà Khánh Hòa đặc biệt có tiềm năng thế mạnh là du lịch và kinh tế biển (cảng biển, vận tải biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, hậu cần kỹ thuật quốc phòng).
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa du lịch thực sự là động lực phát triển của Tỉnh. Khánh Hòa phải là địa phương đi đầu trong Vùng về du lịch, phấn đấu thu hút khoảng 10 triệu lượt khách vào năm 2020, trong đó khách quốc tế khoảng 3 triệu lượt. Đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tiếp tục tập trung cho công nghiệp đóng tàu, vận tải, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, nuôi trồng đánh bắt thủy sản.
6. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; quy hoạch lại nuôi trồng thủy sản, hình thành ổn định các vùng nuôi trồng thâm canh cao, an toàn dịch bệnh.
Phải xác định được các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao chủ lực, đặt mục tiêu và có giải pháp cụ thể, rõ ràng. Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi phù hợp. Tập trung nghiên cứu, tìm ra mô hình sản xuất, sản phẩm và công nghệ, thị trường tiêu thụ phù hợp.
7. Phát triển công nghiệp cần phải tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh kết hợp với bảo vệ môi trường và cảnh quan. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị của các sản phẩm nông lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Các cụm công nghiệp nên tập trung gần một số đô thị lớn để vừa có khả năng tiếp cận nguồn lao động tốt vừa giảm tác động vào môi trường thiên nhiên. Quan tâm phát triển công nghiệp quốc phòng, dịch vụ hậu cần quốc phòng... gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo - đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của địa phương có vị trí địa chiến lược như Khánh Hòa.
8. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững - đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa. Cần xây dựng Nha Trang trở thành "thành phố cảnh quan" để vừa nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa tăng thêm tính hấp dẫn của một trung tâm dịch vụ-du lịch hàng đầu. Xây dựng môi trường chiến lược, tăng cường quản lý quy hoạch, có sự điều chỉnh phù hợp, đồng bộ giữa hạ tầng và đô thị.
9. Chú trọng thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục, y tế... Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5% - 2%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 80%, trong đó 60% là qua đào tạo nghề; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4% và tăng tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn trên 85%.
10. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho du khách. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đôn đốc thực hiện công tác phòng chống tội phạm, quản lý địa bàn. Xây dựng Khánh Hòa thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vũng chắc; tập trung xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng, vốn thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng khung thể chế và quy hoạch tổng thể của Đề án Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong: Tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình cấp có thẩm quyền, trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng Dự án; chú ý các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.
2. Đồng ý ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn bằng 50% tổng mức đầu tư Dự án Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề xuất bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm thích hợp trong năm 2017.
Để bảo đảm tiến độ Dự án, đồng ý cho Tỉnh được tạm ứng 500 tỷ đồng vốn tồn ngân Kho bạc nhà nước; giao Bộ Tài chính phối hợp với Tỉnh xử lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
3. Về đề nghị điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025: Đồng ý chủ trương cho phép lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025, cùng với việc điều chỉnh cục bộ một số khu vực nếu thấy cần thiết.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch, không gian cảnh quan kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông tại các khu vực điều chỉnh kết nối với các khu vực xung quanh, không gây ách tắc giao thông trước mắt và lâu dài; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các vấn đề về môi trường, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, có sự đồng thuận chung trong xã hội.
Giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về đề nghị bổ sung Khu kinh tế Bắc Vân Phong vào nhóm khu kinh tế được ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quá trình sơ kết tình hình thực hiện việc tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho các khu kinh tế trọng điểm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2021/TTg-KTTH ngày 9 tháng 11 năm 2015;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án liên doanh tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong;
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đàm phán hợp đồng dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1; trường hợp có vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; bảo đảm Dự án triển khai trong quý IV năm 2017.
5. Về chủ trương ban hành Nghị định về cơ chế tài chính- ngân sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa: Tỉnh nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý đề xuất cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương.
Đồng ý ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Tỉnh liên quan đến khu kinh tế Vân Phong, đảm bảo các dự án nằm trong hạn mức vay nợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Tỉnh tổng hợp các dự án PPP trên địa bàn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có chủ trương cụ thể.
6. Về đề nghị bổ sung hỗ trợ vốn đầu tư các dự án đặc thù, quan trọng (Dự án Trục đường Bắc Nam khu trung tâm hành chính mới của Tỉnh; Dự án đường Nha Trang đi Đà Lạt, đoạn Nha Trang - Diên Khánh; Dự án Bệnh viện Ung bướu; Dự án Bệnh viện Sản nhi): căn cứ số vốn đã được giao trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, Tỉnh triển khai các Dự án theo quy định. Đối với các Dự án chưa được bố trí vốn, Tỉnh chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; rà soát, xác định danh mục ưu tiên, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khi có chủ trương về nguồn vốn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất hỗ trợ Tỉnh một phần vốn đầu tư Dự án đường ven biển từ huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tỉnh chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung phần vốn còn lại.
7. Tỉnh bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung vốn thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh theo quy định.
8. Về đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư 6 dự án cơ sở hạ tầng để chống ngập lụt, xói lở các khu dân cư (Dự án chống ngập lụt, xâm nhập mặn và xói lở khu dân cư Mỹ Thanh, Hiệp Mỹ, xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh; Dự án Kè bảo vệ bờ sông Tô Hạp đoạn qua thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn; Dự án tiêu thoát lũ Diên Điền - Diên Phú, huyện Diên Khánh; Dự án Kè bờ hữu sông Cái tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang; Dự án Kè bờ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang; Dự án Kè bờ sông Cái qua xã Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang): Tỉnh chủ động rà soát quy mô, sắp xếp thứ tự ưu tiên để từng bước triển khai thực hiện. Ngoài số vốn được ngân sách trung ương hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và số vốn được bổ sung từ số vốn chưa phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn, Tỉnh bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tìm nguồn cân đối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Tỉnh một phần từ ngân sách trung ương.
9. Về đề nghị hỗ trợ vốn cho dự án Đường giao thông trục chính Vĩnh Bình - Cù Hin vào khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh trong giai đoạn 2016 - 2020: Tỉnh lập quy hoạch tổng thể Khu Du lịch quốc gia Bắc Cam Ranh, trình phê duyệt theo quy định, làm cơ sở lập các dự án thành phần. Đối với dự án Đường Vĩnh Bình - Cù Hin nêu trên, Tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Trường hợp nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020 được bổ sung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kiến nghị của Tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Về đề nghị hỗ trợ vốn ODA để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu dân cư ven sông Cái và sông Kim Bồng: Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn, hỗ trợ Tỉnh tiếp cận thêm các nguồn ODA khả thi trong thời gian tới; tìm nguồn vốn vay ưu đãi để Tỉnh được vay lại theo quy định.
11. Về đề nghị bổ sung phần vốn còn lại (345 tỷ đồng) trong giai đoạn 2020 - 2022 để hoàn thành Dự án Đập ngăn mặn trên Sông Cái Nha Trang: Tỉnh chủ động rà soát, điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư, lựa chọn các đoạn xung yếu, cấp bách để đầu tư trước, phù hợp với nguồn vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên nâng mức hỗ trợ vốn cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục cân đối vốn hỗ trợ Tỉnh hoàn thành Dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư.
12. Về đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường sắt và tổ chức di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành Thành phố: Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Về đề nghị điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh, theo hướng cho phép tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch tại khu vực đảo Bình Ba, Hòn Chút, Mũi Hời (thành phố Cam Ranh): Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức khảo sát thực tế vị trí các đảo Bình Ba, Hòn Chút, nghiên cứu quy hoạch các khu vực có thể cho phép Tỉnh phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là du lịch có yếu tố nước ngoài, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đối với khu vực Mũi Hời, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
14. Về đề nghị bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án bị thu hồi đất cho mục đích quốc phòng tại khu vực Mũi Hời, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh: Bộ Quốc phòng khẩn trương triển khai bố trí nguồn vốn chi trả, bồi thường, hỗ trợ cho các dự án, sớm thu hồi đất và giao đất sử dụng vào mục đích quốc phòng.
15. Về đề nghị thu hồi dự án Khu công nghiệp Nam Cam Ranh do Vinashin làm chủ đầu tư: Đồng ý chủ trương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết dứt điểm.
16. Về bàn giao quỹ đất quốc phòng sân bay Nha Trang cũ để kết nối hạ tầng, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông thành phố Nha Trang: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa khẩn trương xem xét, xử lý, tạo điều kiện cho Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội; trường hợp có khó khăn vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
17. Về đề nghị đẩy mạnh thực hiện Đề án dân sự hóa, hành chính hóa Trường Sa: Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Nội vụ chủ trì; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định,
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.