VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 154/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ Y TẾ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DƯỢC
Ngày 11 tháng 3 năm 2013, tại trụ sở Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Y tế về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về dược. Tham dự buổi làm việc có tập thể lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Tổng Công ty Dược Việt Nam và các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
I. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về dược đã được Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: công nghiệp bào chế thuốc trong nước đã có bước tiến rõ rệt đáp ứng gần 50% trị giá thuốc tiêu thụ. Các doanh nghiệp cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất thuốc, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn thực hành tốt tăng, thuốc sản xuất trong nước ngày càng đa dạng về chủng loại cũng như số lượng hoạt chất và có nhiều dạng bào chế mới phục vụ nhu cầu điều trị. Về cơ bản, việc thực hiện Kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia đã góp phần đảm bảo đủ nguồn thuốc phục vụ nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Công tác quản lý giá thuốc, đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, đó là: việc phát triển dược liệu nói chung và công nghệ chiết xuất hoạt chất tự nhiên phục vụ sản xuất dược phẩm chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, phần lớn nguyên liệu làm thuốc phải nhập ngoại, sản xuất nguyên liệu kháng sinh kém phát triển, đầu tư sản xuất còn trùng lắp, chưa chú ý đầu tư các dạng bào chế đặc biệt, hệ thống kiểm nghiệm chưa đáp ứng được nhu cầu; một số nội dung quy định trong quản lý giá thuốc, dự trữ lưu thông thuốc quốc gia vẫn còn bất cập, chưa khả thi…
II. Để phấn đấu phát huy kết quả đã đạt được, xây dựng ngành dược tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tập trung xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược năm 2005 bảo đảm tiến độ và chất lượng. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật, cần nghiên cứu đề xuất các nội dung về đổi mới quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và cam kết quốc tế; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan trong đó có các doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực dược và các ngành liên quan để hoàn thiện Dự án Luật bảo đảm tính khoa học, tính đổi mới trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý trong thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế.
2. Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức triển khai thực hiện và tiến hành sơ kết trong tháng 12 năm 2013 việc thí điểm quản lý giá thuốc theo phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng, đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Đánh giá, rút kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất hướng triển khai tiếp theo, đề xuất điều chỉnh các nội dung liên quan tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược.
3. Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết 05 năm triển khai Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” hoàn thành trong Quý III năm 2013.
4. Rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch “dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân”, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia giai đoạn tiếp theo (sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp), trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2013.
5. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” và tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án này.
6. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương liên quan căn cứ vào nhu cầu nuôi trồng, sản xuất dược liệu của các doanh nghiệp (trên cơ sở các dự án cụ thể), xem xét, hỗ trợ bố trí đất đai, tạo điều kiện cơ sở hạ tầng ...để triển khai thực hiện.
7. Tăng cường nhân lực, nâng cao năng lực cho Cục Quản lý Dược để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dược và mỹ phẩm trong tình hình mới; phối hợp với Bộ Nội vụ để thực hiện chủ trương thành lập Chi Cục quản lý dược tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về dược.
8. Rà soát nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực dược trong Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế (có thể xây dựng Đề án riêng Phát triển nguồn nhân lực dược nếu thấy cần thiết). Trước mắt tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án tăng cường đầu tư cho Trường Đại học Dược Hà Nội và các khoa dược của các trường Đại học Y, Dược trên cả nước.
9. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp dược về việc tăng tỷ lệ chi phí quảng cáo trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược để có quy định phù hợp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Y tế và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.