VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI HỌP VỀ RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN, QUẢN LÝ VẬN HÀNH, KHAI THÁC CÁC DỰ ÁN BOT VÀ LỘ TRÌNH CHUYỂN SANG THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ THEO HÌNH THỨC ĐIỆN TỬ TỰ ĐỘNG KHÔNG DỪNG
Ngày 05 tháng 4 năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trìbuổi họp để rà soát, đánh giá quá trình thực hiện, quản lý vận hành, khai thác cácdự án BOT và lộ trình chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Tham dự buổi họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ. Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tình hình quản lý vận hành, khai thác các dự án BOT và lộ trình chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải nói riêng theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, được Nhân dân ủng hộ. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, trong đó có BOT; hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới; Bộ Giao thông vận tải đã tích cực rà soát, có phương án xử lý một bất cập tại các trạm thu giá (về vị trí đặt trạm, mức giá và phương án miễn giảm giá dịch vụ đối với người dân và doanh nghiệp khu vực lân cận các trạm BOT...). Việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đã được Bộ Giao thông vận tải triển khai, đạt kết quả bước đầu, nhất là đối với các trạm thu giá trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư BOT như: Chưa có phương án giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quanđến vị trí đặt trạm cũng như mức giá; việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng còn chưa quyết liệt, chưa xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển các trạm thu giá sang thu theo hình thức tự động không dừng...
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Bộ Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động giải quyết các bất cập đối với các trạm thu giá BOT trên toàn quốc; trong đó lưu ý đối với những dự án BOT có tính chất đặc thù cần phải thực hiện phương án thu hỗ trợ tại các trạm thu giá trên các tuyến đường do nhà nước đầu tư.
- Có báo cáo, đánh giá cụ thể đối với những dự án BOT có trạm thu giá còn nhiều bất cập, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2018 để Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT) khẩn trương xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển các trạm thu giá sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2018 (trong đó lưu ý phải thể hiện rõ lộ trình chuyển sang thu tự động đối với từng làn thu của từng trạm...), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2018.
- Khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo đúng quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc chỉ sử dụng 01 công nghệ thu tự động thống nhất trên toàn quốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg .
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ; đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2018.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cùng với Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ủng hộ và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hóa, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT) khẩn trương xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển các trạm thu giá sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng đốivới các dự án BOT thuộc phạm vi quản lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2018 (trong đó lưu ý phải thể hiện rõ lộ trình chuyển sang thu tự động đối với từng làn thu của từng trạm...), gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.