VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 128/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LẦN THỨ 3
Ngày 06 tháng 01 năm 2011, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững lần thứ 3. Tham dự hội nghị có các thành viên Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại diện các ban của Đảng, Quốc hội, một số viện nghiên cứu, kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị của các diễn đàn phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường, giáo dục và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các bộ, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Thời gian qua, việc thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2005 - 2010 đã đạt những kết quả rõ nét: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 7%/năm; xóa đói giảm nghèo đạt thành tích nổi bật; đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ hơn; trên 19 lĩnh vực ưu tiên phát triển bền vững đều xuất hiện các mô hình tốt...
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, sự phát triển bền vững vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đó là: Quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia chưa tương xứng, mới chỉ só 21/63 tỉnh, thành phố, 3/15 bộ, ngành có Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững; giám sát vĩ mô vẫn thiên về xử lý ngắn hạn, xử lý dài hạn còn hạn chế; tăng trưởng kinh tế nhưng tiêu hao năng lượng tăng hơn, năng suất lao động có xu hướng giảm; đóng góp vốn cho tiêu hao sản xuất ngày càng tăng; chưa quan tâm đúng mức đến cân đối nguồn nhân lực; ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn; vai trò khoa học và công nghệ chưa đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm tiêu hao đầu vào; dự báo và ngăn ngừa hậu quả môi trường, xã hội của quá trình phát triển trong điều kiện kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu diễn biến khó lường còn hạn chế.
2. Về nhiệm vụ sắp tới, cần chú trọng xây dựng hệ thống giải pháp, lộ trình trung hạn và dài hạn để ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung quan tâm tới 4 cân đối: vốn, đất đai, nhân lực, năng lượng. Giám sát xuất khẩu phải dựa trên xác định thị trường mục tiêu, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm quốc gia; sử dụng ngân sách có hiệu quả, chuyển dần từ kế hoạch ngân sách hàng năm sang trung hạn; phát triển mạnh khoa học - công nghệ; xác định rõ nội dung mô hình đối tác công - tư (PPP) để triển khai thực hiện; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; định kỳ đánh giá phát triển bền vững cấp quốc gia, ngành, địa phương và cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ tiêu giám sát phát triển bền vững với khoảng 20 chỉ tiêu, trong đó cần quan tâm đến các chỉ tiêu như GDP xanh, năng suất lao động quốc gia, ngành, địa phương, tỷ lệ chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân, tỷ lệ đạt chuẩn an sinh xã hội, điều kiện môi trường, tai nạn giao thông, khả năng tiếp cận thông tin qua Internet...
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tập trung xây dựng Định hướng Phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7 năm 2011 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Định hướng Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2011.
Kiện toàn hoạt động của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định; phê duyệt chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Phát triển bền vững đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trên cơ sở Định hướng Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động phát triển bền vững của ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015; tăng cường phối hợp để đảm bảo thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững; lồng ghép nguyên tắc phát triển bền vững trong quản lý điều hành, xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.