VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC
Ngày 04 tháng 3 năm 2014, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước Phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình Tây Bắc). Tham dự cuộc họp có Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo tình hình tổ chức triển khai Chương trình Tây Bắc thời gian qua, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
1. Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều cố gắng, tích cực, trách nhiệm, chủ động phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh trong vùng Tây Bắc, triển khai Chương trình theo mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt và các quy định hiện hành về triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước.
2. Tuy nhiên, một số đề tài nghiên cứu chưa thật rõ mục tiêu; còn chồng chéo, trùng lắp với các nhiệm vụ mà một số Bộ, ngành đã và đang triển khai; chưa bám sát nhu cầu thiết thực với cuộc sống của đồng bào Tây Bắc; chưa khai thác tốt tiềm năng của các địa phương để xác định nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Phạm vi và nội dung nghiên cứu rộng lớn, toàn diện nhưng thời gian triển khai Chương trình còn ngắn; sự tham gia của các địa phương, sự phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan còn hạn chế; địa bàn Tây Bắc rộng lớn, nhiều khó khăn, phức tạp; cần nỗ lực huy động lực lượng nghiên cứu, đổi mới cách làm, phấn đấu hoàn thành tốt 4 mục tiêu nhiệm vụ Chương trình đã đề ra.
3. Những công việc trọng tâm cần tập trung thực hiện thời gian tới:
- Giao Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai tổng thể Chương trình trong cả giai đoạn 2013 - 2018 và nhiệm vụ cụ thể từng năm. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Đại học Quốc gia Hà Nội cần tích cực; chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh trong vùng; tham khảo kinh nghiệm triển khai của Chương trình Tây Nguyên 3 nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm, báo cáo Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc tình hình và kết quả thực hiện;
- Tập trung rà soát, chọn lọc, tích hợp các nội dung nghiên cứu cần thiết, tránh trùng lắp với các nhiệm vụ đã được các Bộ, cơ quan thực hiện; bảo đảm yêu cầu thiết thực, khả thi và hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu: Nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, giảm nghèo; khai thác hiệu quả tài nguyên, tiềm năng của vùng gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng an ninh; phát triển nguồn nhân lực. Có kế thừa, tham khảo các kết quả nghiên cứu trước đó về vùng Tây Bắc. Có lộ trình triển khai cụ thể, ưu tiên các đề tài cấp thiết, bức xúc trước mắt về đời sống, sinh hoạt của người dân, về sinh kế và chuyển đổi mô hình sản xuất. Loại bỏ những đề tài nghiên cứu thuần túy, dàn trải, chưa thực sự cấp thiết, ít ứng dụng được vào sản xuất và cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc;
- Giao Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc thành lập Hội đồng Tư vấn để giúp Ban Chủ nhiệm Chương trình xét duyệt, thẩm định, giám sát đề tài, bảo đảm các chủ trương và giải pháp về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan được triển khai đầy đủ, hiệu quả (ngoài thành phần như Thông báo số 292/TB-VPCP ngày 14 tháng 8 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ, có thể mời thêm đại diện các Bộ, cơ quan có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học);
- Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai Chương trình trong giai đoạn 2013 - 2018. Đồng ý Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình quản lý kinh phí của Chương trình theo cơ chế quỹ phát triển khoa học và công nghệ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm triển khai thực hiện;
- Các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh Tây Bắc có trách nhiệm chủ động phối hợp, cung cấp thông tin và đặt hàng nghiên cứu cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Ban Chỉ đạo Tây Bắc làm đầu mối phối hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng, huy động thêm các nguồn lực triển khai và tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng chịu trách nhiệm phối hợp, tạo mọi điều kiện để Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện tốt Chương trình; chủ động đề xuất, đăng ký đề tài của địa phương, từ cơ sở;
- Đồng ý chủ trương Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp nghiên cứu ứng dụng Chương trình với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo nhu cầu cụ thể, thiết thực của các địa phương trong vùng.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Đại học Quốc gia Hà Nội, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.