VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH SẢN PHẨM CƠ KHÍ TRỌNG ĐIỂM NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 2015
Ngày 11 tháng 3 năm 2015, tại trụ sở làm việc Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình triển khai các dự án, đề án thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ; đại diện các cơ quan: Viện nghiên cứu Cơ khí, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, Tổng Hội Cơ khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Năm 2014, nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng 5,98%, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, sản xuất công nghiệp tăng 7,6%... xuất khẩu phục hồi, ngành cơ khí có tốc độ tăng trưởng trên 18% đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển Cơ khí Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả đáng được biểu dương. Các đơn vị trong nước đã tham gia vào khâu thiết kế, chế tạo trong nhiều công trình, dự án như: sản xuất alumina, chế tạo giàn khoan dầu khí, dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1; mô hình liên kết mới được áp dụng góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất cơ khí trong nước, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Nhiều sản phẩm: cơ khí nông nghiệp (máy gặt đập liên hợp, máy cấy, chế biến nông sản); giàn khoan, tàu quân sự có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường cho thấy năng lực của các đơn vị trong nước có bước tiến rõ rệt.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như: Một số cơ chế chính sách chưa đồng bộ, phù hợp; tiêu chí lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm còn cứng nhắc, chậm được cập nhật; nhiều đơn vị vẫn còn tư tưởng gia công (làm thuê) mà chưa chú trọng phát triển hoạt động tư vấn. Bên cạnh đó, cùng với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp cơ khí trong nước chưa khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Để nâng cao hiệu của Chương trình, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tạo động lực mới để phát triển ngành cơ khí trong nước trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương cơ quan thường trực cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:
1. Kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Đánh giá tình hình phát triển của ngành cơ khí, trong đó có đánh giá sự thiếu hụt sản phẩm cơ khí thiết yếu của đời sống xã hội; trên cơ sở đó, đề xuất mô hình tổ chức phát triển và quản lý ngành cơ khí theo hướng thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển ngành cơ khí.
2. Đổi mới tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo hướng xác định sản phẩm mà thị trường cần, lập dự án và ban hành các cơ chế hỗ trợ cụ thể. Đối với các dự án đang triển khai: Tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện cụ thể đối với từng sản phẩm, dự án; tổng kết, nghiệm thu và đăng ký vào danh mục các sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được.
3. Chỉ đạo, đánh giá tình hình phát triển 8 (tám) ngành cơ khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam để xác định dự án, sản phẩm mà thị trường có nhu cầu lớn, lâu dài và có thể hướng tới xuất khẩu.
4. Tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm.
5. Khẩn trương xây dựng Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn tới năm 2035 theo đề cương đã được phê duyệt.
6. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án, sản phẩm cơ khí sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất được làm cơ sở dữ liệu tra cứu, dùng chung.
7. Đôn đốc các Bộ thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; gửi Bộ Công Thương tổng hợp, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức, triển khai thực hiện tốt Đề án cơ sở dữ liệu ngành cơ khí Việt Nam.
9. Xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2015 của Ban Chỉ đạo, trong đó có kế hoạch kiểm tra, cập nhật các hoạt động chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm tại các cấp, địa phương, tư nhân và doanh nghiệp. Bổ sung đại diện Tổng Hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam và Viện nghiên cứu Cơ khí vào Thường trực Ban Chỉ đạo.
10. Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Tổ chức kiểm tra, rà soát, làm việc với Nhà thầu để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất cơ khí đối với Dự án Vĩnh Tân 4.
11. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá khả năng trả nợ đối với các dự án, sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.