VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO
Ngày 22 tháng 12 năm 2016, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình hoạt động của ngành du lịch thời gian qua; ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch kết luận như sau:
1. Năm 2016, cùng với sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành du lịch, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch duy trì được mức tăng trưởng tích cực, ngành du lịch hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, thường xuyên cập nhật, đổi mới các cơ chế chính sách cho phát triển du lịch nhưng việc tổ chức thực hiện, của cả cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, người làm du lịch chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, lan tỏa, chưa tạo được sự cộng hưởng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam.
2. Để thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch thống nhất giao các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, như sau:
a) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp về công tác quản lý hoạt động du lịch trong cả nước và ở địa phương.
b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm về đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia, đề xuất hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam và tổ chức triển khai thực hiện để nhanh chóng khắc phục hạn chế, nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch quốc gia.
- Khẩn trương ban hành, hướng dẫn thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; nâng cấp Cổng thông tin điện tử Du lịch Việt Nam.
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thống kê theo phương pháp tài khoản vệ tinh du lịch đã được thống nhất với ngành thống kê; định kỳ báo cáo kết quả phục vụ công tác chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn.
- Tập trung nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị và sản phẩm du lịch, kết nối các điểm đến du lịch, kết nối các doanh nghiệp du lịch...; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc hình thành các chuỗi giá trị và sản phẩm này (sản phẩm - điểm đến - dịch vụ - liên kết hợp tác vùng miền...).
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, rà soát và đề xuất việc điều chỉnh bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch bảo đảm việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu, đề xuất việc tăng nguồn đầu tư cho các hoạt động trong lĩnh vực du lịch như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các quy định ưu đãi về đầu tư đối với các khu, điểm du lịch quốc gia, đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng để từng bước hình thành mạng lưới các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
d) Bộ Tài chính
- Khẩn trương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 30 tháng 8 năm 2016 theo hướng: những nội dung nào thực hiện được thì xử lý ngay; những nội dung nào chưa đủ điều kiện thực hiện thì đề xuất thực hiện thí điểm hoặc chờ văn bản pháp luật quy định cụ thể.
- Xem xét điều chỉnh tăng mức kinh phí cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong năm 2017 để tăng cường công tác xúc tiến vào những thị trường trọng điểm nhằm đạt mục tiêu thu hút khách quốc tế giai đoạn 2017 - 2020.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương triển khai thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ nghề du lịch trong ASEAN; nghiên cứu mô hình liên kết đào tạo nhà trường với cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (khách sạn, doanh nghiệp lữ hành), nhà trường với trung tâm đào tạo nghề trong việc đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao ở tất cả các trình độ.
e) Đối với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; các Chỉ thị: số 18/CT-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2013 và số 14/CT-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2015 và Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 30 tháng 8 năm 2016; bảo đảm chuyển biến nhận thức, tập trung xử lý dứt điểm các hạn chế, yếu kém mà du lịch Việt Nam đang đối mặt như tình trạng đeo bám, chèo kéo, ép mua, ép bán, ép giá; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện.
- Phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành tại các địa phương, trong đó tập trung vào hoạt động của các cơ sở lưu trú du lịch (việc xếp hạng, chất lượng dịch vụ sau xếp hạng); việc tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ tại các khu, điểm du lịch (đặc biệt là dịch vụ hướng dẫn du lịch); kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả việc thu hồi giấy phép trong trường hợp tái phạm.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tích cực, chủ động tham gia Kế hoạch chỉ đạo phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương kiên quyết xử lý không để tiếp diễn các hành vi xâm hại khách du lịch, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức văn minh lịch sự, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.