VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày 21 tháng 12 năm 2016, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:
1. Trong năm 2016, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tốt, tạo chuyển biến khá tích cực trên nhiều lĩnh vực. Các bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt có sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh với chế tài xử phạt mạnh hơn so với năm 2015. Việc giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tiếp tục được duy trì và triển khai bài bản, đã kịp thời đưa ra cảnh báo, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. So với năm 2015, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tiếp tục giảm; tỷ lệ thực phẩm có chất cấm (như sabutamol trong thịt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả...) giảm mạnh. Các vụ việc nổi cộm về an toàn thực phẩm như sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra tại các tỉnh miền Trung liên quan đến an toàn thực phẩm hải sản, thông tin không đúng về nước mắm nhiễm a-sen... được xử lý hiệu quả, kịp thời.
Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế: Cấp ủy và chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác quản lý an toàn thực phẩm. Nhân lực quản lý an toàn thực phẩm ở nhiều nơi còn mỏng. Kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu và chậm được phân bổ. Yêu cầu về an toàn thực phẩm trong một số lĩnh vực chưa được bảo đảm, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm vượt giới hạn cho phép còn nhiều và tăng so với năm 2015, tỷ lệ sản phẩm chưa tồn dư hóa chất phụ gia, chất bảo quản còn ở mức cao.
2. Về một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới:
a) Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp, nhiệm vụ theo đúng Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc; huy động các phòng kiểm nghiệm sẵn có trên địa bàn, thực hiện hiệu quả việc kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phối hợp hiệu quả với mặt trận Tổ quốc trong thực hiện Chương trình phối hợp vận động và giám sát thực hiện an toàn thực phẩm. Trước mắt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
b) Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ phối hợp hướng dẫn thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện hiệu quả việc thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
c) Bộ Y tế:
- Khẩn trương tổng kết việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất mở rộng áp dụng thanh tra chuyên ngành cho khoảng 10 - 15 tỉnh, thành phố trong thời gian tới.
- Tập trung xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm, trình Chính phủ trong quý I năm 2017.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt tiền bảo đảm có tính răn đe hơn.
- Ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Bộ quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm.
d) Chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2016, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn về kinh phí cho quản lý an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2021. Bộ Y tế chủ động phối hợp, đề xuất cụ thể với Bộ Tài chính về việc này.
e) Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương hoàn thành và đưa vào hoạt động kênh thông tin Sức khỏe và an toàn thực phẩm trong đầu năm 2017.
3. Bộ Y tế chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1214/VPCP-TCCV ngày 26 tháng 02 năm 2016, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.
4. Các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm khẩn trương cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; giao Bộ Y tế chủ trì, tiếp thu ý kiến của Ban chỉ đạo, hoàn chỉnh Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định gửi Đoàn giám sát của Quốc hội đúng hạn quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.