BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 911/QCLN/TCTHADS-TCTHAHS | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2015 |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ TỔNG CỤC CẢNH SÁT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ VÀ HỖ TRỢ TƯ PHÁP TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 1186/QĐ-BCA ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp;
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thi hành án dân sự Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thống nhất ban hành “Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp trong công tác thi hành án dân sự”.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự);
2. Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp; các Trại giam, Trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện (gọi chung là cơ sở giam giữ);
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thi hành án dân sự và thi hành án hình sự.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Phù hợp với quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hình sự và quy định pháp luật khác có liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của mỗi đơn vị.
2. Thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.
3. Bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành và sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự.
Điều 4. Phương thức phối hợp
1. Trao đổi ý kiến hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị phối hợp, cơ quan được đề nghị phải có trách nhiệm trả lời.
2. Trường hợp cần thiết, các bên có thể làm việc trực tiếp hoặc trao đổi qua fax.
3. Tổ chức họp liên ngành.
4. Thành lập các đoàn công tác liên ngành.
5. Các phương thức khác.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 5. Phối hợp trong công tác xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
1. Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm trao đổi, thống nhất các nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về thi hành phần dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ.
2. Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự; Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp chỉ đạo các cơ sở giam giữ nghiêm túc thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hình sự và các văn bản có liên quan.
Điều 6. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự và các cơ sở giam giữ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự.
Điều 7. Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự
1. Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động, kịp thời phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc thì Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp chủ động phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn, chỉ đạo đối với các cơ sở giam giữ.
2. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự; các cơ sở giam giữ có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ có liên quan đến công tác phối hợp; định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc khi có yêu cầu cần thiết tổ chức các cuộc họp để rút kinh nghiệm về công tác phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó, báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Điều 8. Phối hợp trong việc xác minh Điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản và thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự
1. Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự chủ trì, đề nghị các cơ sở giam giữ có liên quan phối hợp trong việc xác minh Điều kiện thi hành án, đề nghị cung cấp thông tin về tài sản (nếu có) của người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ, kịp thời thông báo cho cơ sở giam giữ nơi người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù về kết quả thi hành án dân sự (trong đó bao gồm các Khoản được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự) và thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự.
2. Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp chỉ đạo các cơ sở giam giữ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự xác minh Điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ do phạm nhân khai báo kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có liên quan về việc thu tiền thi hành án do phạm nhân là người phải thi hành án nộp hoặc thân nhân của người đó nộp thay tại cơ sở giam giữ và thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự.
Điều 9. Phối hợp trong việc thực hiện phần nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự khi xét đặc xá đối với phạm nhân là người có nghĩa vụ thi hành án dân sự
1. Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ sở giam giữ thu tiền đối với người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, thực hiện các công việc sau đây:
a) Phân công Chấp hành viên, cán bộ thường trực tại cơ quan thi hành án dân sự để thu các Khoản tiền do thân nhân của người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù đến nộp;
b) Cử Chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự trực tiếp làm việc, phối hợp với cơ sở giam giữ để thu tiền, tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù hoặc thân nhân của họ nộp thay tại cơ sở giam giữ.
2. Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giam giữ thực hiện các công việc sau đây:
a) Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự hướng dẫn, thông báo cho người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ hoặc thân nhân của họ về các Khoản phải thi hành án;
b) Chủ động phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự giáo dục, động viên phạm nhân là người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ hoặc thân nhân của họ nộp tiền, tài sản, giấy tờ theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và bàn giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền giải quyết.
Điều 10. Phối hợp trong việc xử lý các Khoản tiền thi hành án của người phải thi hành án là phạm nhân hoặc thân nhân của họ đã nộp tại các cơ sở giam giữ
1. Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ sở giam giữ rà soát, phân loại, thống kê và lập danh sách cụ thể đối với các Khoản tiền của người phải thi hành án là phạm nhân hoặc thân nhân của họ đã nộp tại các cơ sở giam giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm kịp thời chuyển tiền thi hành án thu của phạm nhân là người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền giải quyết vụ việc bằng hình thức chuyển Khoản hoặc giao trực tiếp bằng biên bản; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm kịp thời gửi lại chứng từ thu, nhận tiền thi hành án cho cơ sở giam giữ có liên quan.
3. Quá trình chỉ đạo xử lý Khoản tiền thi hành án của người phải thi hành án là phạm nhân hoặc thân nhân của họ nộp tại các cơ sở giam giữ, Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp có thể thành lập các Đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo giải quyết hoặc tổ chức họp liên ngành để thống nhất chỉ đạo giải quyết.
Điều 11. Phối hợp trong việc xây dựng báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án
1. Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Công an thành lập Tổ xây dựng báo cáo 6 tháng (nếu có) hoặc báo cáo hàng năm của Chính phủ về công tác thi hành án dân sự.
2. Việc phân công, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Tổ xây dựng báo cáo thực hiện theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Thống nhất về việc bảo mật và cung cấp, trao đổi thông tin
1. Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo yêu cầu của mỗi bên.
2. Việc bảo mật và cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến công tác thi hành án được thực hiện theo quy định của hai ngành và quy định của pháp luật.
Điều 13. Phối hợp kiểm tra liên ngành
1. Hàng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác phối hợp trong thi hành án dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ.
2. Việc kiểm tra công tác phối hợp trong thi hành án dân sự thực hiện theo Kế hoạch được Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thống nhất, trong đó, xác định rõ thời gian, thành phần, địa điểm, nội dung kiểm tra.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục Thi hành án dân sự; Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, các cơ sở giam giữ trên toàn quốc, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thi hành án dân sự có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
2. Trên cơ sở Quy chế này, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ đóng trên địa bàn để xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ ở địa phương mình.
3. Giao Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Tham mưu Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Cục C82), Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp là đơn vị đầu mối giúp thực hiện công tác phối hợp, báo cáo kết quả để hai ngành biết, theo dõi, chỉ đạo. Trường hợp cần thiết, Lãnh đạo hai Tổng cục trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp thực hiện công việc liên quan.
Điều 15. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; sơ kết, tổng kết và đề nghị khen thưởng
1. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan Thi hành án dân sự; Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở giam giữ trong việc thực hiện Quy chế này.
2. Định kỳ Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp phối hợp tổ chức sơ kết (hàng năm), tổng kết (05 năm một lần) để đánh giá, rút kinh nghiệm về tình hình, kết quả thực hiện Quy chế này.
3. Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp phối hợp đề xuất biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp xem xét, phối hợp giải quyết./.
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.