ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/KH-UBND | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2008 |
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2008 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Chương trình hoạt động số 15/CTr-TU ngày 20/11/2006 của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006 của HĐND Thành phố Hà Nội. UBND Thành phố lập Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tham nhũng năm 2008 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội. Hạn chế những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức, viên chức các cấp, các ngành của Thành phố; củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính.
1.2. Các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Phải trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng; có giải pháp cụ thể tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
1.3. Tiếp tục xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn cao; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.
2. Yêu cầu
2.1. Công tác phòng, chống tham nhũng cần gắn với cải cách hành chính phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải được tiến hành tích cực, thường xuyên, kiến quyết theo kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; lấy xây dựng, phòng ngừa là chính; kiên quyết xử lý nghiêm minh bất cứ ai có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
2.2 Đấu tranh chống tham nhũng luôn gắn với đấu tranh chống các tệ quan liêu, lãng phí; các cơ quan, đơn vị cần sử dụng đồng bộ các biện pháp: chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ, hành chính, kinh tế và phải xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi cán bộ có hành vi tham nhũng ngay từ cơ sở.
2.3. Công tác phòng, chống tham nhũng phải vận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân; phải thực hiện kiên trì và kiên quyết. Tăng cường công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức, nhân dân phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ
1. Công tác tổ chức cán bộ
Thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Thành phố và bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo Thành phố theo Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27/9/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản số 6779/VPCP-V.I ngày 21/11/2007 của văn phòng Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong quý I năm 2008.
2. Công tác phòng ngừa
2.1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:
- Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố và các quận, huyện xây dựng Kế hoạch tuyên truyền và phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng; UBND Thành phố giao Bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng giúp UBND Thành phố, đôn đốc, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng và các quy định mới trong Luật phòng, chống tham nhũng và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành cho cán bộ từ Thành phố đến cơ sở.
- Tích cực tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; quy định số 19/QĐ-TW ngày 03/01/2002 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viện không được làm; quy định của Pháp lệnh công chức sửa đổi về những điều cán bộ công chức không được làm. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng ý thức tự giác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và ý thức đấu tranh phát hiện hành vi tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức.
- Mở rộng các hình thức tuyên truyền: tổ chức các hội nghị chuyên đề, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí, mở các chuyên mục phổ biến luật phòng, chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nêu các gương tiêu biểu, tích cực về chống tham nhũng, lãng phí; khích lệ, động viên đảng viên, cán bộ, công nhân viên, nhân dân thi đua tự giác thực hiện và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ cơ sở.
2.2. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 của Chính phủ và Thành phố, Chương trình số 04-Ctr/TU ngày 10/5/2006 của Thành ủy, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 212/2006/QĐ-UBND ngày 01/12/2006 về kế hoạch thực hiện cải cách hành chính của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cáo hiệu lực của chính quyền các cấp giai đoạn 2006 – 2010”.
2.3. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30/CT-BCT của Bộ Chính trị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình, quy ước bảo đảm công khai mọi chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của cán bộ, công chức cũng như các hoạt động về tài chính của cơ quan, đơn vị. Thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc Nghị định 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ về việc minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và những quy định về kê khai bổ sung hàng năm.
2.4. Đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương; Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20-CT/TU ngày 31/8/2007 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; đặc biệt là những đơn thư tố cáo về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát hiện, kiến nghị và thu hồi những thất thoát về kinh tế, đất đai cho nhà nước; qua đó góp phần phòng ngừa và xử lý các sai phạm về tham nhũng, lãng phí.
2.5. Thực hiện nghiêm túc chương trình hành động số 15/CTr-TU ngày 20/11/2006 của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Nghị quyết kỳ họp 11 Hội đồng HĐND Thành phố khóa XIII.
2.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, quản lý đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thanh tra công vụ để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí.
2.7. Tiếp tục thực hiện thông báo số 89-TB/BCĐ ngày 10/4/2007 thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại.
3. Công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý tham nhũng
Các cơ quan chức năng có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: Cổ phần hóa doanh nghiệp, Đầu tư XDCB, quản lý và sử dụng đất đai, thu chi ngân sách, quản lý thuế, quản lý tài sản công các kết luận phải quy rõ trách nhiệm cá nhân để thất thoát kinh phí, tài sản của Nhà nước. Kiên quyết thu hồi về ngân sách Nhà nước những kinh phí bị thất thoát. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xẩy ra thất thoát kinh phí, tài sản phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp thu hồi, kịp thời xử lý trách nhiệm cá nhân theo thẩm quyền. Thủ trưởng cơ quan cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ trong thu hồi kinh phí thất thoát và xử lý kỷ luật hành chính theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. Nơi nào để xảy ra tham nhũng, lãng phí thì người đứng đầu và Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm.
UBND các quận, huyện sở, ngành thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận tin tố cáo về hành vi tham nhũng; Xây dựng quy định việc xác minh nguồn tố cáo và xử lý nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan nội chính tăng cường công tác nắm tình hình phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí một cách nghiêm minh và kịp thời, lựa chọn xử điểm các vụ án tham nhũng, lãng phí có tác dụng phòng ngừa xã hội.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trực thuộc Thành phố, xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc chế độ báo định kỳ (theo quy định) và đột xuất về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Thành phố.
2. Bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Thành phố giúp UBND Thành phố đôn đốc, phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố. UBND các quận, huyện, sở, ngành tổ chức tập huấn cho các đối tượng trực thuộc.
3. Bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Thành phố đôn đốc các ngành chức năng, thực hiện kế hoạch thanh tra tại 04 đơn vị, quận Hai Bà Trưng; quận Tây Hồ; huyện Từ Liêm; sở Xây dựng Hà Nội, kiểm tra 10 đơn vị về việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề xuất các giải pháp phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
4. Tổ chức Đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng với các Tỉnh trong nước và nước ngoài.
5. Bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Thành phố giúp UBND Thành phố đôn đốc, tổng hợp kết quả phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố, đề xuất khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, kiến nghị xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo UBND Thành phố và Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.