ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/KH-UBND | Tiền Giang, ngày 11 tháng 6 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
Căn cứ Luật Người khuyết tật;
Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;
Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020, như sau:
I. THỰC TRẠNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỈNH TIỀN GIANG
Dân số Tiền Giang năm 2012 có khoảng 1.670.000 người, trong đó có đến 8.219 người đang hưởng chính sách thương bệnh binh, 1.407 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 1.024 người khuyết tật do tai nạn lao động, 1.269 trẻ em khuyết tật đang học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường chuyên biệt và can thiệp sớm tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, 19.330 đối tượng là người khuyết tật đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng, 180 đối tượng là người khuyết tật đang chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Tình trạng người khuyết tật vẫn còn là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đời sống người khuyết tật tại cộng đồng còn rất nhiều khó khăn, phần lớn thuộc diện gia đình nghèo, sống ở khu vực nông thôn, thiếu tư liệu sản xuất; chủ yếu là dựa vào người thân, gia đình, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, hưởng các chế độ, chính sách và trợ cấp xã hội hàng tháng. Hiện nay, điều kiện giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn, nên người khuyết tật gặp nhiều trở ngại trong việc đi lại, giao tiếp xã hội, phát triển kinh tế gia đình.
Một số người khuyết tật không được đến trường, một số được tiếp cận giáo dục nhưng trình độ chỉ ở mức biết đọc biết viết hoặc trình độ cấp tiểu học, trung học cơ sở, rất ít người khuyết tật có trình độ trung học phổ thông, đại học. Đa số người khuyết tật chưa qua đào tạo nghề, có người khuyết tật ở vùng thành thị được đào tạo nghề, nhưng có việc làm rất ít; điều này ảnh hưởng đến đời sống của người khuyết tật.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Hỗ trợ người khuyết tật khắc phục khó khăn phát huy khả năng của mình; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Hàng năm, 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 35% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 1.500 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
- 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được đến trường học hòa nhập, số còn lại được tiếp cận giáo dục.
- 30% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
- Ít nhất 20% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; bến xe, bến phà; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
- Ít nhất 20% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông hoặc tiếp cận dịch vụ trợ giúp tương đương.
- 30% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
- 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; 15% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao.
- 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
- 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 40% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 20% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Hàng năm, 80% số người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 60% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 3.000 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
- 80% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được đến trường học hòa nhập, số còn lại được tiếp cận giáo dục.
- 50% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
- 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; bến xe, bến phà; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
- Ít nhất 40% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
- 40% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
- 40% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; 40% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao.
- 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
- 80% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý, chăm sóc, hỗ trợ, tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác trợ giúp người khuyết tật; 60% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên hàng tháng đối với người khuyết tật:
Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế và khám điều trị bệnh cho người khuyết tật theo quy định.
2. Phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật với các hoạt động sau:
Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Triển khai thực hiện chương trình can thiệp sớm cho trẻ một cách đồng bộ. Có sự phối hợp hài hòa và sự phân công trách nhiệm của các ngành y tế và giáo dục và vai trò điều phối của ủy ban nhân dân các cấp. Ngành y tế đóng vai trò chủ đạo, quản lý, điều phối tập huấn chuyển giao chuyên môn kỹ thuật. Ngành giáo dục, giáo viên là người thực hiện can thiệp sớm về giáo dục tại nhà trường, phối hợp cán bộ y tế theo dõi, giám sát việc tập luyện và sự tiến bộ của trẻ tại nhà.
Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Tiền Giang, Trung tâm hỗ trợ, phát triển giáo dục hòa nhập thực hiện công tác tư vấn, trợ giúp người khuyết tật tại cộng đồng và thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020.
3. Trợ giúp tiếp cận giáo dục:
- Tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục. Triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục.
- Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang cung cấp nội dung, trang thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.
- Hỗ trợ, triển khai giáo dục hòa nhập ở Trung tâm, thông qua việc điều chỉnh chương trình, tài liệu; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý giáo dục trẻ khuyết tật; bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ và các khuyết tật khác.
4. Dạy nghề, tạo việc làm:
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập, các trường dạy nghề và các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm; Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
- Tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật.
- Lồng ghép dạy nghề cho người khuyết tật nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề nông thôn gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật.
5. Trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng phù hợp:
- Triển khai các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng phù hợp với người khuyết tật.
- Xây dựng một số mô hình thí điểm về tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng để phổ biến nhân rộng.
Quy chuẩn áp dụng đối với việc xây dựng mới và cải tạo công trình công cộng, nhà ở, chung cư, đường và hè phố, đặc biệt là những công trình công cộng như nhà văn hóa, sân vận động, bệnh viện, trường học, siêu thị, nhà bảo tàng, trụ sở cơ quan, công trình giao thông... để người khuyết tật được tiếp cận, sử dụng. Dựa vào các quy chuẩn này, cơ quan chức năng xem xét thẩm định, cấp phép dự án xây dựng công trình mới, xem đó là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc.
Đối với các công trình công cộng như: khu bán vé, khu dịch vụ, khu vệ sinh, thang máy, điểm rút tiền, lối thoát nạn phải tính đến nhu cầu sử dụng của người khuyết tật. Tại lối vào các công trình công cộng phải bảo đảm tiêu chuẩn tiếp cận; khu vực dành cho đối tượng ưu tiên phải có ký hiệu, biển báo để người khuyết tật nhận biết, sử dụng.
6. Trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông:
- Triển khai các quy định về giao thông để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng được.
- Khi người khuyết tật đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng, được ưu tiên mua vé tại cửa bán vé, được sử dụng chỗ ngồi dành cho các đối tượng ưu tiên.
- Xây dựng các tuyến mẫu tại các điểm dừng, đỗ, nhà chờ, bến, nhà ga phải có lối vào hoặc thiết bị trợ giúp phù hợp để người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Tại các khu vực ngồi chờ phải bố trí chỗ cho các đối tượng ưu tiên trong đó có người khuyết tật.
- Tổ chức cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng phải có trách nhiệm trợ giúp, hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật. Hỗ trợ người khuyết tật nặng khi lên, xuống phương tiện và sắp xếp hành lý khi cần thiết.
7. Trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông:
- Nghiên cứu xây dựng các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông.
- Nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin và các dịch vụ phù hợp với dạng tật ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận mạng lưới viễn thông và công nghệ thông tin cũng như nhiều hoạt động khác trong cuộc sống.
8. Trợ giúp pháp lý:
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền của người khuyết tật trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hoạt động thích hợp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho người khuyết tật tiếp cận với các quy định của pháp luật có liên quan để họ tự bảo vệ hoặc yêu cầu tổ chức trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi cần thiết. Bảo đảm số lượng người khuyết tật được trợ giúp pháp lý theo kế hoạch đề ra.
Biên soạn tài liệu và tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ trợ giúp pháp lý và các thành viên câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
9. Hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch:
- Phát triển các môn thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu, hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia thi đấu thể thao trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trợ giúp người khuyết tật hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch.
- Tổ chức tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc cho người khuyết tật.
10. Nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội đối với người khuyết tật:
- Tổ chức tuyên truyền Luật Người khuyết tật; các văn bản hướng dẫn thi hành và những chủ trương, chính sách, chương trình, đề án về trợ giúp người khuyết tật.
- Biên soạn nội dung tập huấn cho cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
- Tuyên truyền cho gia đình người khuyết tật về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tập huấn các kỹ năng sống cho người khuyết tật.
- Nghiên cứu kinh nghiệm trợ giúp người khuyết tật của các tỉnh, thành trong khu vực.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật của tỉnh.
- Kiểm tra, giám sát đánh giá Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật và các chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức:
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Người khuyết tật, các văn bản của Chính phủ có liên quan bằng nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác trợ giúp và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
2. Tăng cường công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật:
- Rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch với các giải pháp phù hợp chăm sóc người khuyết tật dựa vào cộng đồng; quản lý, trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.
- Thực hiện can thiệp sớm ở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là một biện pháp nhằm kích thích và phát huy tối đa khả năng của trẻ, làm giảm nhẹ và khắc phục những khuyết tật của trẻ, đồng thời can thiệp sớm là cơ sở để trẻ tham gia học tập tại các trường phổ thông, giúp trẻ sống một cách độc lập trong cộng đồng.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật.
3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý và trợ giúp người khuyết tật:
Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp người khuyết tật; có trách nhiệm theo dõi, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án,… đến công tác trợ giúp và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Tăng cường giám sát, đánh giá các tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc người khuyết tật tại các địa phương.
4. Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho người khuyết tật:
Tranh thủ sự hỗ trợ của các Đề án trợ giúp người khuyết tật từ các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, dụng cụ và nguồn lực. Đồng thời, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật.
V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:
- Ngân sách tỉnh: được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện; từ các chương trình, dự án, kế hoạch liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.
- Đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
2. Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tùy theo chức năng, nhiệm vụ lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện hàng năm; tổ chức thực hiện dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức sơ kết việc thực hiện Kế hoạch vào năm 2015 và tổng kết vào cuối năm 2020.
2. Sở Y tế:
Tổ chức thực hiện hoạt động khám sàng lọc dạng tật, nhằm phát hiện sớm, can thiệp, điều trị sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Nâng cao năng lực, hướng dẫn nghiệp vụ y tế cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập cấp mẫu giáo, cấp học phổ thông thông qua việc điều chỉnh nội dung, phương pháp, tài liệu dạy học phù hợp với từng đối tượng trẻ khuyết tật, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật. Tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật phát hiện can thiệp sớm tiếp cận giáo dục. Triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục.
4. Sở Xây dựng:
Triển khai các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng phù hợp với người khuyết tật.
Quản lý xây dựng các công trình công cộng phù hợp với người khuyết tật. Xây dựng một số mô hình thí điểm để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng, để phổ biến nhân rộng.
5. Sở Giao thông Vận tải:
Triển khai các quy định về phương tiện giao thông có phục vụ người khuyết tật; về quyền lợi khi tham gia giao thông của người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng được; Tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và tham gia giao thông phù hợp dạng tật.
Tuyên truyền, quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng phải có trách nhiệm trợ giúp, hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật. Hỗ trợ người khuyết tật nặng khi lên, xuống phương tiện và sắp xếp hành lý khi cần thiết.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Nghiên cứu ứng dụng, phổ biến các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; phối hợp tổ chức hoạt động thông tin truyền thông hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
7. Sở Tư pháp:
Thực hiện hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở cộng đồng thông qua các hoạt động thích hợp, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận được hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; phối hợp với các tổ chức của người khuyết tật để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khi có yêu cầu.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi thực hiện trợ giúp pháp lý qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác nhằm tạo điều thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận được hoạt động trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Phát triển các môn thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu, hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Có chính sách hỗ trợ người khuyết tật hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.
Tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia thi đấu thể thao trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.
9. Sở Tài chính:
Bố trí kinh phí hàng năm thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:
- Căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm và giai đoạn phù hợp với tình hình địa phương và triển khai thực hiện tốt công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn.
- Bố trí ngân sách, lồng ghép kinh phí các chương trình, kế hoạch có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Kế hoạch.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020; tham gia tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020 đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để được hướng dẫn, giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.